Đà tăng 8% của Bitcoin (BTC) trong tuần này vượt trội so với vàng và S&P 500. Nhưng tiền số vẫn đang giao dịch dưới mức cao nhất mọi thời đại, trong khi kim loại quý và chỉ số chứng khoán chuẩn của Mỹ đều leo lên kỷ lục mới.
Trước căng thẳng vùng Trung Đông, vàng đã chạm mốc 2.720 USD một ounce, tăng 32% so với đầu năm và đang trên đường đạt hiệu suất hàng năm tốt nhất kể từ 2010 (thời điểm đó kênh này tăng 38%). Còn S&P 500 đã tích lũy khoảng 23% trong gần 10 tháng qua. Trong khi đó, Bitcoin không lập kỷ lục mới sau khoảng 7 tháng giảm giá rồi đi ngang (hiện vẫn cao hơn 50% tính từ đầu năm).
Tại sao không có kỷ lục mới cho Bitcoin? Theo đội ngũ phân tích CoinDesk, lý do chính khiến tiền số chậm chân trong cuộc đua giữa các kênh tài sản hiện tại là vì hệ lụy từ đợt leo cao kỷ lục trên 73.700 USD hồi tháng 3. Nhóm này đánh giá kỷ lục trước "quá xa, quá nhanh". Lúc đó, giá của tiền số lớn nhất thế giới đã tăng gấp 5 lần so với 14 tháng trước, nếu chỉ tính trong 10 tuần đầu tiên của năm 2024, BTC đội giá lên gấp đôi.
Đi vào chi tiết hơn, thời gian qua có nhiều áp lực bán mạnh, có thể kể đến như việc chính phủ Đức xả kho Bitcoin lớn bị tịch thu và sàn ủy thác Mt Gox bắt đầu trả lại nợ token cho chủ sở hữu của họ.
Ngoài ra còn có một thực tế là BTC giao dịch 24/7, do đó phải chịu nhiều áp lực và biến động hơn các tài sản khác. Điều này có thể dẫn đến việc mỗi khi bất ổn, thị trường tiền số cũng xuất hiện nhiều đợt thanh lý hơn, đẩy giá xuống mạnh hơn.
Tuy nhiên khi nhìn về phía trước, Bitcoin vẫn còn nhiều tín hiệu khả quan. Theo số liệu của sàn giao dịch Glassnode, từ nhà đầu tư "tép riu" - những người nắm giữ ít hơn một BTC - cho đến cả "cá voi" (những người sở hữu 1.000-10.000 mã token) đã tích lũy tài sản trong vài tháng qua. Điều này cho thấy lực cầu không bùng nổ nhưng vẫn duy trì đều đặn trên thị trường.
Với việc cắt giảm lãi suất thêm nữa từ các ngân hàng trung ương phương Tây sắp tới, kỳ vọng chiếm ưu thế của ứng cử viên tổng thống ủng hộ tiền số Donald Trump và sự gia tăng lớn của dòng tiền vào các quỹ đầu tư BTC, các chuyên gia CoinDesk cho rằng vẫn có kịch bản cho Bitcoin lập kỷ lục mới.
Ngoài ra, thị trường đang ghi nhận một chất xúc tác tích cực nhưng dễ bị bỏ qua là xu hướng suy yếu mới của đồng yen. Nhật Bản vừa công bố dữ liệu mới cho thấy lạm phát toàn phần ở mức 2,5% - đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4 và thấp hơn 0,5% so với tháng trước đó. Lạm phát cơ bản cũng giảm đáng kể. Tin tức này có thể là một tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) không cần thiết tăng lãi suất thêm nữa.
Đầu tháng 8, đợt tăng lãi suất nhỏ của BOJ đã khiến đồng yen nhảy vọt và thị trường toàn cầu, trong đó có Bitcoin, sụp đổ trong vài ngày. Tuy nhiên, đồng yen đã đạt đỉnh vào giữa tháng 9 ở mức khoảng 140 so với USD và gần như liên tục suy yếu kể từ đó. Sau tin tức kể trên, tiền tệ của Nhật Bản cũng hạ xuống 150 đồng so với tờ bạc xanh, mức yếu nhất kể từ đầu tháng 8.
"Nhật Bản không có vấn đề lạm phát và ít cấp bách phải thắt chặt tiền tệ", Bob Elliott, Giám đốc công nghệ thông tin tại Unlimited Funds, cho biết. Ông lưu ý rằng lạm phát dịch vụ đã giảm xuống gần bằng 0 trong những tháng gần đây, trong khi GDP của Nhật Bản rơi vào mức tăng trưởng âm.
Trong 5 năm qua, Bitcoin tăng hơn 1.000% so với đồng yen, nhưng ít hơn nhiều so với các loại tiền tệ khác. Diễn biến tương tự cũng được nhìn thấy ở vàng, cao hơn 150% so với đồng yen và chỉ 80-90% so với các loại tiền tệ phổ biến khác.
Tiểu Gu (theo CoinDesk)