"Trẻ mắc bệnh hầu hết dưới hai tháng tuổi, là lứa tuổi chưa được tiêm ngừa", Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Lê Hồng Nga nói, ngày 22/4.
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận ba tháng đầu năm cả nước xuất hiện nhiều trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine như ho gà, sởi. Trong đó, TP HCM có 9 ca ho gà là "tình trạng bất thường" do trước đây thỉnh thoảng mới ghi nhận một ca. Hà Nội ghi nhận số ca ho gà nhiều nhất nước, với 46 trẻ. Trong số bệnh nhi, hơn 52% dưới hai tháng tuổi, 70% chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ liều. Nguyên nhân được cho là do thời gian dài gián đoạn cung ứng vaccine và ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Theo bác sĩ Nga, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để tạo lá chắn miễn dịch giúp trẻ phòng bệnh ho gà. HCDC khuyến cáo phụ huynh theo dõi lịch tiêm chủng của con và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi. Cuối tuần qua, TP HCM tiếp nhận 13.000 liều vaccine 5 trong 1 (còn gọi SII) từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Số vaccine này đã được phân bổ về 22 trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức, tiêm miễn phí cho trẻ từ tuần này.
SII là vaccine phối hợp dự phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển, thậm chí tử vong.
Vaccine 5 trong 1 được tiêm theo liệu trình ba liều cơ bản cho trẻ em từ đủ 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Nếu bỏ qua các thời điểm trên, trẻ nên được tiêm phòng bù càng sớm càng tốt.
Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học.
Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Bệnh thường diễn biến nặng, dễ gây tử vong do bị bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Lê Phương