Việc GDP quý I của Mỹ giảm 4,8% đánh dấu mức kém nhất 12 năm qua nhưng đây chưa phải điều tệ nhất với nước này vì nhiều thách thức vẫn còn phía trước. Tình trạng doanh nghiệp đóng cửa và sa thải nhân viên trên diện rộng chỉ mới bắt đầu từ cuối tháng 3. Do vậy, các chuyên gia dự đoán số liệu của quý II sẽ phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của việc cách ly xã hội, với GDP có thể giảm 30% hoặc nhiều hơn- một quy mô chưa từng thấy từ Đại suy thoái.
"Đó sẽ là thời kỳ tồi tệ nhất từ hậu thế chiến thứ Hai. Chúng ta sẽ trải qua khoảng thời gian tệ nhất trong đời", Dan North, Kinh tế trưởng của Công ty bảo hiểm Euler Hermes Bắc Mỹ dự báo về số liệu của quý II.
Nader Masadeh, Giám đốc chuỗi nhà hàng Buffalo Wings & Rings ở Ohio, Mỹ đang nỗ lực để doanh nghiệp sống sót và tái khởi động lại. Nhưng anh rất sợ. Nỗi sợ hãi lớn nhất mà anh nghĩ đến khi mở cửa là số ca nhiễm lại tăng. "Chúng tôi không đủ sức để đóng cửa lần thứ hai. Chúng tôi chỉ có một cơ hội khi mở cửa trở lại và nếu bỏ lỡ nó hoặc không thể làm đúng, thì điều khó tránh khỏi sẽ xảy ra", Nader nói.
Karen Dynan, nhà kinh tế học Harvard, một quan chức Bộ Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Obama nói, việc hồi phục kinh tế chỉ khả thi khi kiểm soát được dịch. "Lệnh phong toả có thể được dỡ bỏ ngay ngày mai nhưng kinh tế vẫn không hồi phục nếu mọi người chưa cảm thấy an toàn để ra ngoài", bà nói. Do đó, y tế cộng đồng trong trường hợp này là yếu tố quan trọng trong việc phản ứng chính sách kinh tế.
Mối quan tâm về tình hình sức khỏe cộng đồng đang làm phức tạp công việc của các nhà dự báo kinh tế và hoạch định chính sách. Các công cụ thông thường để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh gần như vô hiệu khi doanh nghiệp không thể mở cửa và người dân không ra khỏi nhà. Các mô hình kinh tế tiêu chuẩn cũng không thể dự đoán khi nào vaccine sẽ xuất hiện hoặc khi nào mọi người cảm thấy thoải mái để đi làm trở lại.
Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Mỹ, nhiều chuyên gia dự đoán mô hình kinh tế hình chữ V - xuống và hồi phục nhanh sau đó. Tuy nhiên, các dự đoán này xác định dựa trên thời gian dừng hoạt động ngắn. Còn khi việc đóng cửa đã kéo dài sang tháng thứ hai và sự gián đoạn có thể tiếp tục trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng ở các tiểu bang - mô hình này gần như không còn nhiều hy vọng.
"Việc đóng cửa kinh tế càng lâu thì càng khó khăn để hồi phục lại", ông Tara Sinclair, nhà kinh tế Đại học Washington nói. Điều này khiến Tổng thống Trump và nhiều quan chức khác, đặc biệt là các thống đốc bang, phe Cộng hoà thúc đẩy việc mở cửa càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, mặt trái của việc mở cửa quá nhanh là đe doạ cả sức khoẻ cộng đồng và tăng trưởng kinh tế. Mỹ chưa thực hiện đủ xét nghiệm cần thiết theo kỳ vọng của quan chức y tế để phát hiện và ngăn các ổ dịch mới.
Nhà kinh tế Sinclair nói: "Nếu chúng ta có thể tự tin rằng virus sẽ biến mất vào thời gian cụ thể. Tôi nghĩ các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch phù hợp và tính toán đúng".
Bà nhận định, vấn đề là không có sự chắc chắn đó. Không có cách nào để hứa khi nào có thể khởi động lại và sự không chắc chắn là thứ huỷ hoại khả năng ban hành các chính sách kinh tế đúng đắn.
Các nhà kinh tế còn cho rằng, con số chính thức (có thể công bố vào cuối mùa xuân này) sẽ còn tệ hơn mức GDP âm 4,8% đã công bố. Dữ liệu hiện nay tuy không đầy đủ, nhưng đã ám chỉ mức độ thiệt hại sâu rộng. Chi tiêu dùng - động lực giúp kinh tế tăng trưởng cả thập kỷ, đã giảm xuống mức 7,6%. Đầu tư kinh doanh, vốn đã gặp khó khăn vì chiến tranh thương mại cũng giảm 4 quý liên tiếp. Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm mạnh vì đại dịch khiến thương mại toàn cầu gần như đứng yên.
Cú đánh của đại dịch khiến ngành dịch vụ lâm vào khó khăn. Nhà hàng đóng cửa, các chuyến bay rỗng tuếch và sân vận động ngưng hoạt động nhiều tuần. Chi tiêu cho các dịch vụ giảm xuống 10,2% trong quý I và chi cho các ngân hàng, khách sạn giảm gần 30%. Người tiêu dùng thậm chí còn chi ít hơn cho chăm sóc sức khoẻ vì hoãn các cuộc hẹn.
Chi tiêu cho hàng hoá giảm ở mức nhẹ hơn 1,3%, được kéo lại nhờ gia tăng chi tiêu cho hàng tạp hoá khi người Mỹ mua dự trữ đồ dùng. Tuy nhiên, chi cho xe cộ giảm tới 33,2%.
Hôm 29/4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ dùng toàn bộ công cụ cần thiết để làm giảm thiểu tác động của suy thoái và hỗ trợ kinh tế. Jerome H. Powell, Chủ tịch Fed nói trước Quốc hội rằng, rất có thể phải làm nhiều việc hơn nữa. "Vẫn chưa có gì chắc chắn về mức độ và thời gian của suy thoái kinh tế. Đây cũng có thể là lúc kinh tế cần thêm sự hỗ trợ để hồi phục", Powell nói.
Trong tuần nay, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự đoán kinh tế "sẽ thực sự phục hồi" vào mùa hè này khi các bang dỡ bỏ yêu cầu cách ly xã hội và hàng nghìn tỷ USD chi tiêu khẩn cấp liên bang đến tay doanh nghiệp và hộ gia đình.
Còn Văn phòng Ngân sách Quốc hội tuần trước dự báo kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm nhưng sớm nhất phải đến 2022 thì GDP mới hồi phục lại như trước khi có dịch.
Quỳnh Trang (theo The New York Times)