"Lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp cho Moldova qua ngả Ukraine nhiều hơn lượng khí đốt được chuyển từ biên giới Ukraine sang Moldova", tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ra tuyên bố hôm nay, cáo buộc Ukraine đã chuyển hướng nguồn khí đốt được trung chuyển qua nước này.
Tập đoàn có trụ sở ở St. Peterburg nói Ukraine đã giữ lại 52,52 triệu mét khối khí đốt mà Gazprom chuyển cho Moldova, đồng thời dọa cắt nguồn cung tới châu Âu để đáp trả.
"Nếu nguồn cung cho Moldova qua Ukraine tiếp tục thâm hụt, đúng 10h ngày 28/11, Gazprom sẽ bắt đầu cắt giảm nguồn cung khí đốt" qua điểm trung chuyển quan trọng tới châu Âu, tuyên bố của Gazprom có đoạn.
Ukraine bác cáo buộc nước này giữ lại nguồn khí đốt mà Nga chuyển cho Moldova. "Gazprom cáo buộc Ukraine ăn cắp khí đốt. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng", công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz đăng trên Twitter.
"Đây không phải lần đầu tiên Nga sử dụng khí đốt như công cụ gây áp lực chính trị. Đây là lời nói dối trắng trợn nhằm biện minh cho quyết định siết thêm hạn chế nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu", nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine GTSOU cho hay.
Đây là căng thẳng mới nhất về cung cấp năng lượng giữa Ukraine, các nước châu Âu và Nga, quốc gia đã giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu để đáp trả những lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga đã dừng chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 dưới biển Baltic và chỉ duy trì một số tuyến đường ống tới châu Âu qua ngả Ukraine.
Mối đe dọa cắt nguồn cung khí đốt đến vào thời điểm an ninh năng lượng châu Âu khá bấp bênh, khi nhiều nước ở châu lục đang chạy đua để lấp đầy kho dự trữ trước mùa đông.
Ukraine đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau nhiều tuần bị Nga liên tục tấn công vào lưới điện, dẫn tới tình trạng mất điện ở cả nước láng giềng Moldova.
Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Giới chức Moldova cho biết Nga đã giảm 40% nguồn cung tới nước này. Tổng thống Moldova Maia Sandu cảnh báo quốc gia 2,6 triệu này có nguy cơ cạn kiệt nguồn khí đốt và điện trong mùa đông.
Thanh Tâm (Theo AFP, Reuters)