"Mùa đông tới có thể tương đối ấm. Nhưng chỉ cần một tuần, thậm chí là 5 ngày lạnh bất thường, các thị trấn và vùng đất sẽ lạnh cóng", Alexey Miller, giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, phát biểu tại Tuần Năng lượng Nga ở Moskva ngày 12/10, thêm rằng ông không mong kịch bản trên xảy ra.
Theo ông Miller, trong thời gian tiêu thụ đạt đỉnh, châu Âu được dự báo thiếu 800 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, tương đương khoảng 1/3 tổng nhu cầu. Các cơ sở ngầm lưu trữ khí đốt của châu Âu đang đạt khoảng 91% công suất. Trong kịch bản xấu nhất, tỷ lệ này sẽ chỉ còn 5% vào tháng 3.
"Chắc chắn là châu Âu sẽ vượt qua mùa đông năm nay nhưng điều gì sẽ xảy ra khi họ cần bơm khí đốt vào cơ sở lưu trữ trước mùa đông năm 2023 và 2024?", ông Miller đặt câu hỏi. "Rõ ràng, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không diễn ra trong thời gian ngắn".
Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong nhiều tháng qua, sau khi quan hệ song phương căng thẳng liên quan Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trước đó, Gazprom thường cung cấp cho châu Âu 600 - 1.700 triệu m3 khí đốt/ngày trong giai đoạn cao điểm mùa đông.
Châu Âu đang tìm kiếm nguồn cung thay thế Nga và tích trữ khí đốt, đồng thời triển khai loạt biện pháp đối phó khủng hoảng năng lượng như áp giá trần điện hay kêu gọi tiết kiệm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước nhận định Liên minh châu Âu (EU) phải giảm nhu cầu tiêu thụ tới 13% khi đối mặt "những nguy cơ chưa từng có" đối với nguồn cung khí đốt trong mùa đông này.
Tại cuộc họp ngày 12/10 ở Prague, Cộng hòa Czech, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU nhất trí họ nên bắt đầu mua chung khí đốt trước mùa hè năm sau và cần có chỉ số chuẩn mới về giá khí đốt. Tuy nhiên, EU vẫn chia rẽ trước lời kêu gọi áp giá trần với khí đốt tự nhiên.
Như Tâm (Theo Bloomberg, RT)