Ngày 30/1, trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Công Tuấn đề nghị địa phương vận động các hộ dân chuyển giao toàn bộ gấu nuôi về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để nuôi dưỡng. Bộ đề nghị tỉnh tiếp tục giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu nếu có.
Cuối năm 2013, Quảng Ninh còn 152 con gấu. Đến tháng 11/2014 còn 82 con. Báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp tỉnh thì chỉ còn 48 con gấu của 18 chủ nuôi. Mới đây, theo phản ánh Tổ chức động vật châu Á, quá trình thăm khám tại ba trại gấu ở Hạ Long và thị xã Quảng Yên, các chuyên gia đã phát hiện nhiều gấu mất chi, đói khát, trên mình đầy những vết thương hở, trán trụi lông, đầu lắc liên tục và cọ vào thành lồng một cách buồn chán. Các hộ dân bỏ đói gấu do nhà nước cấm khách du lịch đến thăm trại gấu, cấm chích hút mật gấu.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, 25 con gấu ở ba trang trại tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên đang trong tình trạng suy dinh dưỡng sẽ được giao ngay cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. Trung tâm đã tiếp nhận 109 con gấu và có thể tiếp nhận thêm từ 50 đến 70 cá thể nữa.
Việt Nam hiện có trên 100 con gấu ngoài tự nhiên, chủ yếu phân bố ở một số khu rừng đặc dụng và khoảng 1.800 con nuôi nhốt trong các hộ gia đình, cá nhân, các vườn thú tư nhân, vườn thú Nhà nước và trung tâm cứu hộ.
Hương Thu