Đó là Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia, nộp đơn ngày 22/4.
Theo dữ liệu đăng tải trên website của Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia), nhãn hiệu của doanh nghiệp thuộc nhóm "Rice; Best rice of the world" (gạo; gạo ngon nhất thế giới). IP Australia đang trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.
Như vậy, hiện có 6 nhãn hiệu liên quan đến gạo ST25, trong đó 5 ở Mỹ, nộp đơn xin bảo hộ bên ngoài Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress, bà Ngân Trần, Giám đốc công ty Maygust Trademark Attorneys (Australia) cho biết, thời gian kiểm tra với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại nước này khoảng 3-4 tháng. Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và công bố thông tin để các bên, nếu có nhu cầu, phản đối trong vòng 2 tháng từ ngày công bố. Nếu không, nhãn hiệu sẽ được chính thức bảo hộ.
Theo bà Ngân Trần, tính huống hồ sơ nhãn hiệu này đáp ứng được yêu cầu bảo hộ là không cao, do ST25 chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm. Tuy nhiên doanh nghiệp cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, là IP Australia đánh giá hồ sơ của T&L Global Foods Supply đáp ứng các yêu cầu được bảo hộ theo luật nhãn hiệu Australia. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có 2 tháng để phản đối nhãn hiệu nếu không muốn gạo ST24 và ST25 mất thị trường này hoặc phải lệ thuộc vào T&L Global Foods Supply.
Ở Australia, để phản đối nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ phải nộp đơn Thông báo dự định phản đối (mức phí 250 AUD một nhãn hiệu). Sau đó, trong một tháng kể từ ngày nộp đơn, doanh nghiệp phải nộp các căn cứ phản đối.
"Tùy vào phản ứng của chủ đơn, nếu chủ đơn ‘đáp trả’, các bên sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cung cấp lập luận, hồ sơ, chứng cứ", bà Ngân nói.
Nếu không nộp đơn phản đối theo đúng thời gian quy định, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể xin gia hạn dựa vào lý do như lỗi, thiếu sót của công ty đại diện, nhân viên IP Australia hay điều kiện bất khả kháng... Tuy nhiên, bà Ngân cho biết, việc gia hạn sẽ rất tốn kém, do vậy doanh nghiệp nên thực hiện đúng thời gian quy định.
Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Australia, doanh nghiệp hoặc đăng ký trực tiếp với IP thông qua một công ty được cấp phép tại nước này hoặc qua hệ thống đăng ký quốc tế Madrid có chỉ định vào Australia.
Theo bà Ngân, ưu điểm của đăng ký theo hệ thống Madrid là tiết kiệm được chi phí trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải liên hệ với công ty được cấp phép tại Australia để đại diện xử lý nếu có bất cứ vấn đề nào xảy ra với hồ sơ nhãn hiệu. Lúc này chi phí phát sinh có thể cao hơn so với việc nộp đơn trực tiếp ban đầu.
Thông thường thời gian để một nhãn hiệu từ lúc đăng ký đến khi được bảo hộ, nếu suôn sẻ nhanh nhất là 7-8 tháng. Doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu hồ sơ nhãn hiệu của mình được "kiểm tra nhanh" bằng các lý do như nhãn hiệu đang liên quan đến một vụ kiện/vụ việc khác nên rất cần biết kết quả nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh (ví dụ đối thủ vô tình biết nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã đăng ký và đã tung sản phẩm gắn nhãn hiệu này ra thị trường trước).
Phí dịch vụ cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Australia khoảng 600-1.000 AUD (khoảng 11-18 triệu đồng) một hồ sơ. Tuy nhiên, chi phí này có thể cao hơn tuỳ vào số lượng nhãn hiệu; số nhóm hàng hoá, dịch vụ; tính chất mỗi hồ sơ...
Nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở các thị trường khác như Mỹ, Australia. "Doanh nghiệp cần chủ động xin bảo hộ tại những nước mình có nhu cầu", bà nhấn mạnh. Bởi lẽ, khoản chi phí đầu tư ban đầu để đăng ký ở các nước là không lớn so với những vấn đề doanh nghiệp sẽ đối diện nếu nhãn hiệu bị cướp mất.
Phương Ánh