Theo tìm hiểu của VnExpress, trong 5 đơn đề nghị được bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), nhãn ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc đã được thông qua bước đầu. Theo website của USPTO, họ sẽ chuẩn bị công bố việc chấp thuận này vào ngày 4/5.
Đây là đơn vị duy nhất trong 4 doanh nghiệp Mỹ khi thẩm tra đạt được các yêu cầu cơ bản của USPTO. Còn lại đang bị yêu cầu bổ sung thông tin hoặc từ chối.
Trao đổi với VnExpress sáng 24/4, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhìn nhận, việc ra công bố của USPTO với I&T Enterprise, Inc ngày 4/5 là thuộc quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
"Hoạt động này nhằm giúp các chủ thể có liên quan được khiếu nại, phản bác, ý kiến về nhãn hiệu đang được xin bảo hộ. Mục đích của việc công bố là vậy", ông Bảy nói và cho biết 30 ngày sau khi công bố, doanh nghiệp vẫn được khiếu nại.
Trong khi đó, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Bross & Partners) cho rằng, việc này nghiêm trọng hơn thế và hối thúc doanh nghiệp khiếu nại sớm. Bởi nếu doanh nghiệp Việt không phản đối, "không còn bước tiếp theo" và I&T Enterprise sẽ chính thức được Mỹ bảo hộ nhãn hiệu ST25.
Khiếu nại bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, đầu tiên doanh nghiệp cần khiếu nại với USPTO để bác đơn xin bảo hộ thương hiệu của I&T Enterprise, Inc.
Cơ sở cho việc khiếu nại, theo Luật sư Vinh, Luật Nhãn hiệu Mỹ quy định, muốn được bảo hộ, nhãn hiệu phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện: có chức năng phân biệt với hàng hoá, dịch vụ cùng loại do các chủ thể khác sản xuất/cung; không được tương tự tới mức nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký, nộp đơn, hoặc được sử dụng trước ngày nộp đơn/ngày ưu tiên của đơn đăng ký.
Một cơ sở khác, theo ông Nguyễn Tiến Lập, luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự, là pháp luật của Mỹ cũng như của bất cứ quốc gia thành viên nào của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO) đều có quy định về đăng ký nhãn hiệu không trung thực (bad faith). Đây là hành vi đăng ký nhãn hiệu với mục đích ăn theo nhãn hiệu có tiếng hoặc đi trước nhằm trục lợi từ việc đăng ký sớm để bán lại, hoặc đăng ký với mục đích không phù hợp, hoặc không để sử dụng.
"Bất cứ ai cũng có quyền khiếu nại để phản đối nhằm vô hiệu hoá nhãn hiệu đã đăng ký ở Cơ quan đăng ký như Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) hoặc Toà án", ông Lập nói.
Thế nhưng, ông Lê Quang Vinh cho biết thêm, thủ tục để phản đối hoặc huỷ bỏ nhãn hiệu ở Mỹ khác biệt với phần còn lại của thế giới và phức tạp.
"Với tính chất như vụ kiện dân sự, chi phí tranh tụng ở Mỹ rất đắt đỏ mà ngay cả các công ty lớn, có tiềm năng tài chính cũng hiếm khi đi đến thủ tục tố tụng cuối cùng thông qua quyết định giải quyết phản đối của TTAB - Ban khiếu nại và xét xử nhãn hiệu, thuộc USPTO", ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, thống kê của TTAB cho thấy, 95% tổng số các vụ việc phản đối nhãn hiệu đều kết thúc ở giai đoạn đầu hoặc giữa các thủ tục tố tụng giúp giảm đáng kể chi phí thực tế tham gia tranh tụng nhãn hiệu.
"Các bên thường tìm kiếm giải pháp kết thúc sớm thông qua hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, hợp đồng đồng tồn tại, rút đơn hoặc huỷ bỏ đơn đăng ký...", ông cho biết.
Một hướng đi khác, gạo ST25 của Việt Nam sẽ phải tìm cách xuất khẩu gạo dưới một nhãn khác, hoặc phải đổi thương hiệu để tránh vi phạm luật về xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ nhưng đây là điều không mong muốn.
Như vậy, doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc đổi một thương hiệu khác nhưng vẫn có cụm từ ST25 trong nhãn mác, bao bì. Bởi theo ông Nguyễn Văn Bảy, ST25 là giống gạo chứ không phải nhãn hiệu.
"Tất nhiên, hệ thống của Mỹ không tương ứng hoàn toàn với Việt Nam", ông Bảy nói.
Dù vậy, các cụm từ đắt giá kèm theo ST25 mà phía Việt Nam mong muốn như "gạo ngon nhất thế giới" nhiều khả năng sẽ khó được cơ quan kiểm tra Mỹ chấp nhận.
Hiện nay, do doanh nghiệp Mỹ chưa được cấp bảo hộ thương hiệu gạo ST25 nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu. Mặt khác, Mỹ cũng chưa phải thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia... khi giá trị xuất khẩu, tỷ trọng chiếm không lớn.
Tuy nhiên, nếu thương hiệu ST25 bị mất, chắc chắn việc xuất khẩu nhãn hàng này sang Mỹ sẽ bị đình lại. Vị này khuyến nghị, khi thị trường quốc tế mở rộng cùng hội nhập, các FTA đã ký, thì những thương hiệu đã có tiếng trên thị trường, doanh nghiệp nên có ý thức trong đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài, tránh "mất bò mới lo làm chuồng".
Phương Ánh - Anh Minh