Ông có triệu chứng cứng hàm, ăn uống khó, đầu tháng 1 điều trị tại bệnh viện ở TP HCM, mở khí quản thở máy. Do có bệnh nền xơ gan, tình trạng ông Hải diễn biến nặng và đáp ứng điều trị chậm hơn so với các bệnh nhân uốn ván khác. Ông không có bảo hiểm y tế, tự lo mọi chi phí điều trị.
Sau một tháng rưỡi điều trị, ông Hải ra viện, tổng viện phí lên tới hơn 150 triệu đồng. Gia đình không có khả năng chi trả toàn bộ viện phí. Bệnh viện và gia đình kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ được 90 triệu đồng. Số còn lại gia đình chạy vạy vay nợ khắp nơi để trả.

Con gái ông Hải chỉ được đứng từ xa nhìn cha mỗi lần vào thăm bệnh. Ảnh: Hoàng Dương
Còn anh Mai Công Phước (44 tuổi) nợ khoảng 20 triệu đồng sau đợt điều trị uốn ván hồi tháng 10 năm ngoái. Hiện gánh nặng trả nợ dồn lên vai người vợ do sức khỏe anh chưa hồi phục hoàn toàn. Anh Phước nhiễm vi khuẩn uốn ván từ vết trầy da ở ngón chân, tiến triển suy hô hấp, biến chứng rối loạn thần kinh thực vật phải điều trị tích cực. Anh nằm viện 27 ngày, chi phí điều trị hơn 55 triệu đồng, một phần trong số này được viện và mạnh thường quân hỗ trợ.
Bác sĩ Trương Ngọc Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 200-300 ca uốn ván, trong số đó khoảng 25-30% chuyển nặng, phải mở khí quản, thở máy.
"Hiện nay, nhờ các phương tiện hồi sức hiện đại như thở máy, lọc máu, cùng sự nỗ lực của đội ngũ y tế, tỷ lệ tử vong do bệnh uốn ván còn 2-5%, nhưng vẫn tạo gánh nặng lớn về chi phí điều trị với nhiều gia đình", bác sĩ Trung nói.
Theo bác sĩ Phạm Kiều Nguyệt Oanh, Phó khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, chi phí điều trị trung bình với bệnh nhân uốn ván không biến chứng và có thở máy khoảng 60 triệu đồng. Nếu gặp phải các biến chứng như viêm phổi bệnh viện, rối loạn thần kinh thực vật, chi phí điều trị có thể lên tới 80-100 triệu đồng hoặc hơn.
Bên cạnh đó, di chứng cứng khớp do nằm viện kéo dài khiến bệnh nhân uốn ván sau xuất viện vẫn cần 6-12 tháng để có thể phục hồi.

Người dân tiêm ngừa uốn ván tại Trung tâm tiêm chủng VNVC sau khi bị đá mài cắt vào tay. Ảnh: An Hoa
Trước chi phí lớn và hậu quả sức khỏe do uốn ván để lại, các chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh uốn ván. Cách phòng bệnh tốt nhất là chủ động tiêm ngừa và tiêm vaccine càng sớm càng tốt khi có vết thương.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa uốn ván dành cho trẻ em từ 2 tháng tuổi (sớm nhất từ 6 tuần tuổi) và người lớn như: 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt; 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván; 2 trong 1 phòng bạch hầu - uốn ván, hoặc mũi uốn ván đơn.
Người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm tối thiểu ba mũi: mũi 2 cách mũi 1 một tháng, mũi 3 cách mũi 2 sáu tháng, tiêm nhắc sau 10 năm hoặc khi có vết thương hở, chảy máu. Trường hợp chưa tiêm ngừa chủ động, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương đúng cách, đồng thời tiêm ngừa và huyết thanh kháng uốn ván phòng bệnh.
Nếu đã tiêm dự phòng đầy đủ vaccine, khi có vết thương nặng, mọi người chỉ cần tiêm thêm một mũi vaccine, không cần dùng thêm huyết thanh.
Phụ nữ mang thai lần đầu cần tiêm ngừa đủ hai mũi vaccine chứa thành phần uốn ván, một mũi trong lần mang thai tiếp theo. Việc này giúp bảo vệ người mẹ khi sinh nở, đồng thời truyền kháng thể thụ động, phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho trẻ.
Bác sĩ Chính lưu ý vi khuẩn uốn ván phát triển trong môi trường yếm khí. Do đó, người dân không băng kín vết thương hoặc đắp các loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc tạo điều kiện cho uốn ván sinh sôi. Cách vệ sinh vết thương đúng gồm rửa dưới vòi nước sạch, loại bỏ tất cả chất bẩn, dị vật, sau đó rửa lại với xà phòng. Khi làm việc tiếp xúc với đất, bùn, người dân cần trang bị bảo hộ đầy đủ như giày, găng tay... để hạn chế bị thương.
Huệ Lan