Đây là kỳ thi nặng nề, áp lực không chỉ với hàng triệu gia đình mà còn với chính Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy năm nào cũng thế, luôn có những sự kiện căng thẳng xảy ra quanh kỳ thi này, tạo nên nhiều thắc mắc không chỉ từ những người liên quan mà còn từ toàn xã hội: sự cố kỹ thuật trong công tác tổ chức, tin đồn lộ đề, gian lận thi cử... Tôi tự hỏi làm cách nào giảm bớt căng thẳng vào những năm sau?
Tính quan trọng của kỳ thi THPT là khó bàn cãi vì nó đánh dấu việc hoàn thành bậc phổ thông - bậc học cơ bản của một nền giáo dục, đánh dấu tuổi trưởng thành, và là bước đệm để bước vào đời, vào nghề. Tuy nhiên, con số gần 99% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT mỗi năm cũng nhận được dấu chấm hỏi từ xã hội: có đáng tốn nguồn lực (tài chính, nhân lực) tổ chức một cuộc sát hạch cồng kềnh?
Tôi tin đây không phải là câu hỏi dễ trả lời. Việc đánh giá, nếu giao cho từng trường học, địa phương như đề xuất từng được nêu ra đâu đó, chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt. Vì vậy, tổ chức một kỳ thi quốc gia để chuẩn hóa chất lượng hoàn thành một bậc học là cần thiết: vừa tạo động lực cho mỗi trường (từ giáo viên cho đến học sinh) vừa bảo đảm sự công bằng trong toàn thể nền giáo dục. Câu chuyện chỉ còn là cách ngành giáo dục đổi mới hình thức tổ chức và đảm bảo công bằng trong quy trình thi cử, bắt đầu từ việc hạn chế triệt để sai sót.
Tin đồn lộ đề thi là vấn đề thường gặp, gây hoang mang cho nhiều sĩ tử và gia đình. Ở đây, có hai khía cạnh cần được lưu ý: ngăn chặn nguồn tin thất thiệt và nâng cao lòng tin về năng lực tổ chức, trong đó có tính bảo mật của kỳ thi. Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào khâu bảo mật, tôi cho rằng, việc xử lý các sự cố lọt, lộ đề thi cần rốt ráo hơn, đối với cả phía làm lộ đề (nếu có) và người phao tin đồn giả.
Nguồn tin giả là vấn đề không chỉ riêng của ngành giáo dục mà của mọi lĩnh vực trên toàn thế giới. Chế tài pháp luật là cách thức để ngăn chặn. Các đối tượng tung tin đồn về việc lộ đề trong các năm qua chỉ bị xử phạt hành chính ở mức mười triệu đồng đến hai mươi triệu đồng (theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Điều này khiến tính răn đe bị giảm mạnh.
Ngoài ra, những bê bối trong ngành giáo dục liên quan đến tính nghiêm minh ở các cấp độ nhỏ - trường lớp, phường xã hay quận huyện - đã góp phần làm tăng sự nghi ngờ của xã hội đối với giáo dục. Vì vậy, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có trách nhiệm với niềm tin của dân chúng.
Trục trặc kỹ thuật là điều có thể xảy ra với một kỳ thi cồng kềnh với cả triệu thí sinh. Trong mọi quy trình, lỗi xảy ra là điều hoàn toàn bình thường, vấn đề là kiểm tra và xử lý lỗi ra sao. Sự việc đề thi ở tỉnh Đắk Lắk bị nhảy chữ và sai ký hiệu Toán học được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng bài thi của học sinh. Theo quy định, đề thi sẽ trải qua một quy trình kiểm tra về chất lượng in ấn và sao chép. Vậy tại sao lỗi kỹ thuật vẫn bị bỏ sót? Song song đó còn có chuyện giám thị ký nhầm ô trên giấy thi tại một hội đồng ở TP HCM khiến thí sinh và phụ huynh bức xúc.
Cả hai sự cố đều gây ảnh hưởng quyền lợi của các em - điều cần loại bỏ triệt để ở một cuộc thi hướng tới sự công bằng cho mọi thí sinh trên cả nước.
Gian lận thi cử là một khía cạnh khác, xuất hiện thường xuyên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Không phải ở Việt Nam mới có gian lận. Tuy nhiên, gian lận ở mức độ rất sơ đẳng, bằng cách đem tài liệu theo người để chép, đã đặt ngược vấn đề với các nhà giáo dục: phải chăng cách kiểm tra học thuộc lòng vẫn còn đất sống. Trong thời đại mà Google đã trở thành một động từ để tìm kiếm thông tin trên Internet, ghi nhớ rõ ràng không còn là kỹ năng quan trọng cần chuẩn hóa. Mong muốn đổi mới thi cử đặt ra những yêu cầu cao hơn trong cách ra đề, sao cho thí sinh không cần phải lệ thuộc vào tài liệu.
Đây là kỳ tốt nghiệp THPT cuối cùng của chương trình Giáo dục 2006. Năm sau là kỳ thi THPT đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ hội để loại bỏ các đề thi học thuộc lòng.
Tổ chức một kỳ thi quốc gia với hơn một triệu thí sinh, áp lực và gánh nặng dành cho Bộ là rất lớn. Chương trình giáo dục mới sẽ là cơ hội tốt để thay đổi: chế tài, tư duy đề thi và mọi quy trình khác liên quan đến triển khai thực hiện.
Cuộc thi chuẩn hóa kiến thức cho các em phải bắt đầu từ việc chuẩn hóa năng lực tổ chức của người làm giáo dục.
Võ Nhật Vinh