Dự án này vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp nhận, sau khi có đề nghị của tỉnh Tiền Giang. 6 cống nằm ven sông Tiền, qua huyện Châu Thành và Cai Lậy gồm: Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng, Phú Phong và Rạch Gầm. Cống lớn nhất rộng 50 m, kinh phí gần 190 tỷ, nhỏ nhất 10 m, kinh phí hơn 50 tỷ, từ ngân sách.
Dự kiến, năm nay dự án xong giải phóng mặt bằng, sẽ đấu thầu thi công vào năm sau. Các cống có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho 128.000 ha cây ăn trái và lúa, cung cấp nước ngọt cho hơn 1,1 triệu dân hai tỉnh Tiền Giang và Long An vào mùa khô hạn.
"Mỗi năm, tỉnh tốn hàng chục tỷ đồng để làm các đập tạm, có hệ thống cống kiên cố sẽ tiết kiệm chi phí, chủ động kiểm soát nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt quanh năm chứ không chỉ mùa hạn mặn", ông Ưng Hồng Nghi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang nói.
Mùa hạn mặn năm nay, Tiền Giang đã chi 45 tỷ đóng 8 đập thép ở huyện Châu Thành và Cai Lậy giúp người dân có nước sử dụng, không bị ảnh hưởng như năm trước. Sau hơn 3 tháng lắp đặt, địa phương cho tháo dỡ các đập vì mùa mưa đã đến, hạn mặn giảm.
Về lâu dài, Tiền Giang đã được Trung ương chấp thuận hỗ trợ xây dựng hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành dài 19 km, rộng 65 m, qua huyện Châu Thành và huyện Tân Phước, làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.
Hoàng Nam