Ngày 20/4, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, tỉnh đã cho tháo đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành (dài 19 km, rộng 65 m, qua huyện Châu Thành và huyện Tân Phước), đoạn giáp sông Tiền. Ngoài ra, 7 đập nhỏ khác tại huyện Châu Thành và Cai Lậy cũng được tháo dỡ. Công việc này hoàn tất trong 4 đến 10 ngày.
Các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt này được tỉnh đầu tư với kinh phí 45 tỷ đồng, thi công hồi tháng 1. "Nhờ hệ thống đập này, năm nay đã ngăn được mặn, đảm bảo đủ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An", ông Pháp nói.
Các dầm thép từ đập tạm sẽ được bảo quản để sử dụng cho mùa hạn mặn năm sau. Về lâu dài, Tiền Giang kiến nghị Trung ương đầu tư hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.
Tại Bến Tre, ông Nguyễn Khánh Hoan, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho hay, mùa mưa đã đến, độ mặn trên địa bàn giảm nhiều. Cụ thể, độ mặn trên kênh Hàm Luông tại TP Bến Tre giảm từ 3 đến 4 phần nghìn xuống còn một phần nghìn.
Theo ông Hoan, hiện Bến Tre có đến vài chục đập thép quy mô nhỏ tại các huyện, đập thép quy mô lớn nhất đặt tại huyện Châu Thành dài 30 m, kinh phí 2,6 tỷ đồng đưa vào sử dụng hơn hai tháng trước. Đơn vị này đang xem xét thời điểm phù phù hợp, an toàn để đề xuất tỉnh tháo hệ thống đập tạm.
"Năm nay, do công tác chuẩn bị tốt, nên đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn trên địa bàn", ông Hoan nói.
Mùa hạn mặn năm ngoái kéo dài 6 tháng khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.
Hoàng Nam