Sáng nay, Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ vào ngày 5/2, kêu gọi các nguồn lực đổ vào khu vực này thông qua xúc tiến đầu tư. Đây là một trong những hành động cụ thể hóa Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực này đến năm 2023, tầm nhìn 2045 được Bộ Chính trị thông qua tháng 11/2022.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ ký biên bản hợp tác 45 dự án về phát triển bền vững trị giá 1,7 tỷ USD với 7 đối tác gồm: Ngân hàng châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) , Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Exim Bank), Ngân hàng Thế giới (World Bank). Các dự án sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị, thuỷ lợi, đối phó với biến đổi khí hậu.
Bộ cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án, trị giá 5,6 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trao thỏa thuận biên bản ghi nhớ 5 dự án với gần 700 triệu USD. Theo ông Đông, các dự án chủ yếu là vốn FDI, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, chế biến chế tạo...
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, vừa qua, khu vực miền Trung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành nơi phát triển khá năng động, đầu tàu quan trọng trong hợp tác và hội nhập quốc tế.
Số liệu cho thấy, kinh tế của khu vực tăng trưởng bình quân 7,3% một năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước; Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Tuy nhiên, miền Trung vẫn có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn trung bình cả nước. Lợi thế của vùng, đặc biệt về kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý để trở thành nội lực quan trọng cho phát triển. Các cực trăng trưởng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện vai trò là động lực, đầu tàu dẫn dắt. Khu vực miền núi phía Tây còn khó khăn.
Trong mục tiêu của Nghị quyết 26, đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phấn đấu là vùng phát triển nhanh, mạnh kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, chống chịu được thiên tai, biến đổi khí hậu. Vùng sẽ có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và Lào...
Còn đến năm 2045, tiêu chuẩn của các khu công nghiệp, dịch vụ của vùng phải nâng lên ngang tầm châu Á; có các khu kinh tế, hệ thống đô thị ven biển thông minh với độ chống chịu tốt hơn với thiên tai...
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); và vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Đức Minh