"Haugen đã làm sáng tỏ cách công ty công nghệ lớn như Facebook, Instagram sử dụng thuật toán có hại để đề xuất nội dung nhằm tối đa hóa lợi nhuận, cũng như thực hiện các hoạt động giám sát và thu thập dữ liệu hàng loạt để tạo sức mạnh cho các thuật toán", theo bản kiến nghị được đăng trên trang How to Stop Facebook hôm 13/10.
Theo Business Insider, trong những tổ chức phi lợi nhuận tham gia, có nhiều cái tên nổi tiếng như Trung tâm Dân chủ Kỹ thuật số (CDD), Dự án Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ (GAP) hay tổ chức PEN America.
Nhóm kêu gọi Quốc hội Mỹ cần thực hiện các cuộc điều tra nhằm vào Facebook và thông qua luật bảo mật dữ liệu "đủ mạnh để chấm dứt mô hình kinh doanh hiện tại" của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nhóm yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tiến tới việc đưa ra quy tắc cấm các công ty thu thập thông tin người dùng ngoài những thứ cần thiết cho dịch vụ, đồng thời phạt nặng các bên sử dụng dữ liệu người dùng cho mục đích khác hoặc bán cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý.
"Cách tốt nhất để ngăn tác hại của Facebook đối với toàn thế giới là cắt nguồn cung dữ liệu cho cỗ máy nguy hiểm của nó", đơn kiến nghị có đoạn. "Các thuật toán nguy hiểm của Facebook đang dùng dữ liệu cá nhân của chúng ta để làm tổn thương đến mọi người, phá hoại nền dân chủ Mỹ và toàn cầu, đồng thời làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử".
Trong khi đó, sau khi bị hai cựu nhân viên Haugen và Sophie Zhang tiết lộ các thông tin nội bộ, Facebook đang bắt đầu "thiết quân luật" đối với các hội nhóm trên nền tảng Workplace của họ. Theo New York Times, mạng xã hội đã đưa một số nhóm nội bộ về chế độ riêng tư, nhưng không rõ số lượng cụ thể.
Trả lời The Verge, đại diện Facebook cho biết thực ra việc "thanh lọc" đã diễn ra trong nhiều tháng. "Rò rỉ làm giảm hiệu quả và tinh thần làm việc của nhân viên mỗi ngày trong việc giải quyết những thách thức trên nền tảng có hàng tỷ người dùng", Facebook cho biết.
Bảo Lâm