"Điều tôi thấy ở Facebook nhiều lần là xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho họ. Họ hết lần này đến lần khác chọn cách tối ưu hóa lợi ích của chính mình, như kiếm nhiều tiền hơn", Haugen, 35 tuổi, nói với CBS ngày 3/10.
Một tháng trước, bà đã nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, tố Facebook che giấu nhiều thiếu sót của mình trước các nhà đầu tư và công chúng. Bà cũng chia sẻ tài liệu nội bộ với Wall Street Journal, trong đó cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới đã nhận thức được vấn đề với các nền tảng của mình, như những tác động tiêu cực của thông tin sai lệch gây ra, đặc biệt là với người trẻ.
Trước khi gia nhập Facebook năm 2019, Haugen từng làm cho các công nghệ khác như Google và Pinterest. Bà sẽ điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ vào ngày 5/10. Chủ đề của phiên điều trần này là "Bảo vệ trẻ em trên mạng", tập trung vào tác động của Instagram đối với sức khoẻ tinh thần của người dùng nhỏ tuổi.
Haugen cho biết: "Tôi sử dụng nhiều mạng xã hội. Về cơ bản, Facebook tệ hơn bất cứ thứ gì tôi thấy trước đây. Tới năm nay, tôi nhận ra mình phải đưa ra đủ bằng chứng để không ai có thể nghi ngờ điều đó là có phải sự thật hay không".
Trong khi đó, Lena Pietsch, người phát ngôn của Facebook, nói: "Mỗi ngày, đội ngũ kiểm duyệt của chúng tôi phải cân bằng giữa mong muốn thể hiện quan điểm cá nhân của hàng tỷ người dùng và nhu cầu duy trì một môi trường an toàn và tích cực. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các bước tiến đáng kể nhằm giải quyết vấn nạn lan truyền thông tin sai lệch và nội dung có hại".
Pietsch nhận xét cuộc phỏng vấn của Haugen là "sự thật không đầy đủ" và "sử dụng các tài liệu của công ty để kể một câu chuyện sai lệch về những nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện để cải thiện sản phẩm".
Haugen cho biết bà tin Mark Zuckerberg "không bao giờ muốn tạo ra một nền tảng đáng ghét, nhưng ông ấy lại cho phép nội dung thù địch và gây chia rẽ được truyền bá nhanh hơn và tiếp cận dễ dàng hơn".
Bà được Facebook tuyển dụng cách đây hai năm, chịu trách nhiệm xử lý thông tin sai lệch. Tuy nhiên, công ty giải thể nhóm quản lý thông tin sai lệch dân sự ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khiến góc nhìn của bà về mạng xã hội này bắt đầu thay đổi.
"Về cơ bản, họ nói: Ồ tốt rồi, chúng ta đã vượt qua cuộc bầu cử, không có bạo loạn, giờ chúng ta có thể giải thể nhóm. Khi họ đưa ra quyết định đóng cửa, tôi có niềm tin chắc chắn rằng công ty sẽ không sẵn sàng đầu tư thực sự lâu dài vào những công cụ để giữ cho nền tảng an toàn", Haugen nói.
Trong khi đó, Guy Rosen, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Facebook, chia sẻ trêên Twitter hôm 3/10 rằng công việc của đội quản lý thông tin sai lệch dân sự đã được phân bổ vào các bộ phận khác.
Theo Haugen, thuật toán của Facebook được thiết kế để hiển thị cho người dùng những nội dung mà họ nhiều khả năng sẽ tương tác nhất, nhưng cũng là thứ gây ra nhiều vấn đề.
"Facebook tối ưu hóa những nội dung thu hút được sự tham gia của người dùng. Nhưng nghiên cứu của chính công ty đã chỉ ra rằng nội dung gây thù hận, chia rẽ lại dễ dàng tạo ra cảm xúc mạnh hơn. Nếu họ thay đổi thuật toán an toàn hơn với người dùng, mọi người sẽ dành ít thời gian hơn trên nền tảng, ít nhấp vào quảng cáo hơn và công ty kiếm được ít tiền hơn", Haugen cho biết.
Facebook hôm 3/10 cho biết nền tảng của họ phụ thuộc vào việc "đưa mọi người đến gần nhau hơn" nhằm thu hút nhà quảng cáo, đồng thời nói rằng "bảo vệ cộng đồng quan trọng hơn việc tối đa hóa lợi nhuận".
Đăng Thiên (theo CNN)