"Tôi đã cung cấp tài liệu chi tiết về những hành động phạm pháp tiềm tàng cho một cơ quan hành pháp Mỹ. Theo tôi biết thì cuộc điều tra đang diễn ra", Zhang, cựu chuyên viên khoa học máy tính của Facebook, chia sẻ trên CNN.
Zhang quyết định lên tiếng vì nhận thấy sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ trong nỗ lực bảo vệ trẻ em trên mạng, sau khi cựu quản lý Facebook Frances Haugen ra điều trần tại Thượng viện hồi đầu tháng 10.
Bà từng làm nhà khoa học máy tính của mạng xã hội lớn nhất thế giới từ năm 2018 nhưng bị sa thải năm ngoái với lý do không đáp ứng yêu cầu công việc. Bà sau đó chia sẻ một bài viết dài trong nội bộ công ty, mô tả việc Facebook biết các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới đang sử dụng nền tảng của họ để thao túng cử tri, nhưng không hành động. Mạng xã hội cũng phớt lờ hoặc chậm chạp trong việc ngăn nội dung thù ghét và tin giả, đặc biệt là ở các quốc gia nhỏ và đang phát triển.
Phát ngôn viên Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI từ chối bình luận về thông tin.
Người phát ngôn Facebook bác bỏ cáo buộc của Zhang, khẳng định công ty đã đầu tư hàng tỷ USD để bảo đảm an toàn và an ninh trên mạng xã hội những năm qua.
"Chúng tôi đã xóa hơn 150 mạng lưới tìm cách tác động đến dư luận Mỹ tính từ năm 2017, phần lớn đều nằm ngoài nước Mỹ. Các bằng chứng cho thấy chúng tôi cũng trấn áp tình trạng lạm dụng nền tảng ở nước ngoài với mức độ như ở Mỹ", người phát ngôn nói.
Điệp Anh (theo CNN)