Chiều 17/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai nội dung liên quan đến dự án Luật nêu trên.
Kết quả, 60,29% tổng số đại biểu cho rằng chưa cần thiết xây dựng Luật này; số đại biểu thấy cần thiết là 96 người (19,96%).
Ngoài ra, 42,83% tổng số đại biểu (206 người) không đồng ý với đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật; chỉ có 169 đại biểu (35,14%) đồng ý; số còn lại không chọn phương án nào hoặc có ý kiến khác.
![Đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/17/202011170927558125-Pham-Van-Ho-3282-9608-1605604799.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8fhu5fzAwW-sFoqCKJHYjg)
Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Thảo luận dự án Luật ở hội trường sáng nay, 22 đại biểu nêu ý kiến, 8 người tranh luận, đa số không đồng tình xây dựng Luật.
Theo hồ sơ dự án Luật, Bộ Công an muốn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trung bình mỗi thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ 5-10 người, toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này.
Dự kiến trung bình hàng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng trên khoảng 300.000 đồng từ ngân sách Nhà nước, mỗi tháng ngân sách cần khoảng 450 tỷ đồng để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người; mỗi tỉnh cần 7 tỷ đồng để đảm bảo chi trả. Như vậy, nếu giảm 500.000 người (1,5 triệu người thay vì 2 triệu người) thì hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thuộc nhóm nhất trí sự cần thiết ban hành Luật trên. Bà cho rằng ba lực lượng được điều chỉnh trong dự án luật (bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách ở xã) đã hình thành từ lâu, do vậy cần tạo khung pháp lý cho họ để "vững tâm công tác".
Tuy nhiên các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Mai Bộ... lo ngại việc xây dựng Luật sẽ dẫn đến phình bộ máy và tốn ngân sách. Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, không đồng tình với giải thích của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật. Theo ông, hiện chỉ có các địa phương dồi dào thu ngân sách mới hỗ trợ bảo vệ dân phố mỗi người 1,49 triệu đồng/tháng, còn lại rất thấp. Đơn cử như ở Đồng Tháp chỉ chi 800.000 đồng mỗi tháng cho trưởng ban bảo vệ dân phố, phó ban 600.000 đồng, tổ viên là 400.000 đồng. "Như vậy thực chi rất ít, tiền đâu mà cắt giảm 150 tỷ đồng cho mỗi tháng như trong tờ trình", ông nói.
Do còn ý kiến khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy ý kiến đại biểu để quyết định.
Trước đó, Quốc hội cũng lấy ý kiến đại biểu về tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng (Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo); thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Kết quả, đa số đại biểu không đồng ý với với các đề xuất này.