Sáng 17/11, Quốc hội thảo luận sôi nổi ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 22 đại biểu đăng đàn, 8 người tranh luận; trong đó đa số không đồng tình xây dựng Luật này.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thuộc nhóm nhất trí sự cần thiết ban hành Luật trên. Bà cho rằng ba lực lượng được điều chỉnh trong dự án luật (bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách ở xã) đã hình thành từ lâu, do vậy cần tạo khung pháp lý cho họ để "vững tâm công tác".
Theo bà Xuân, đây là lực lượng không chuyên trách, mang tính tự nguyện ở thôn xóm, tổ dân phố, bản làng, buôn sóc. Hiện nay tuy công an chính quy được triển khai đến 100% xã, nhưng theo bà Xuân, mỗi xã chỉ có từ 3 đến 7 người là "quá mỏng" để quyết các vấn đề trên địa bàn.
Tranh luận với đại biểu Xuân, Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nói điều 1 dự thảo Luật quy định "đây là lực lượng quần chúng tự nguyện", nghĩa là khác với khái niệm "không chuyên trách".
Theo ông Nhưỡng, nếu là lực lượng quần chúng tự nguyện thì phụ thuộc vào vấn đề thành lập hội. "Chúng ta bây giờ có rất nhiều hội, có thể thành lập hội bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Không nên lập ra một đạo luật để ấn định họ phải là tổ chức quần chúng tự nguyện", ông Nhưỡng nói và cho rằng nếu là hội tự nguyện thì các lực lượng này sẽ không cần hỗ trợ của nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu vấn đề, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh cơ sở là quần chúng tự nguyện, song cách thể hiện lại không đúng như tinh thần nêu ra, vì có chế độ, chính sách rất rõ. "Như vậy ngân sách cho lực lượng này là bao nhiêu?", bà Hoa băn khoăn.
"Hiện nay, ở các địa bàn còn khá nhiều mô hình tự quản trong bảo đảm an ninh trật tự, như các câu lạc bộ về phòng chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh trật tự, thôn bản bình yên. Vậy, các mô hình này có nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật không?", bà Hoa đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phân tích, căn cứ hồ sơ dự án luật cho thấy nếu được thông qua thì lực lượng bảo vệ tri an cơ sở sẽ có khoảng 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có 126.000 công an xã bán chuyên trách; 70.000 bảo vệ dân phố; 500.000 dân phòng theo Luật Phòng cháy chữa cháy.
Như vậy, ba lực lượng trên hiện khoảng 696.000 người (hồ sơ dự án luật nêu 1,5 triệu người), trong đó chỉ công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố là lực lượng thường xuyên (196.000 người), còn 500.000 dân phòng hưởng trợ cấp khi thực sự làm việc hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ.
"Nếu thông qua luật này, số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hàng tháng ở địa phương là 804.000 chứ không phải giảm đi 500.000 người", ông Bộ nói và bày tỏ lo ngại vì theo các điều từ 19 đến 22 dự thảo Luật, ngân sách địa phương phải bố trí để chi trả cả trụ sở lẫn phụ cấp, bảo hiểm... cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ngoài ra, ông Bộ cho rằng, theo quy định hiện hành, đã có lực lượng phối hợp với công an để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Đơn cử, theo quy định tại điều 27 luật Quốc phòng và điều 5 Luật Dân quân tự vệ, thì dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp với công an và lực lượng này không hưởng phụ cấp hàng tháng.
"Người dân không đến mức là ăn rồi chỉ vi phạm pháp luật mà chúng ta bố trí lực lượng lớn như thế này, trong khi đó đất nước còn phải đầu tư cho đầu tư phát triển, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội", ông Bộ nói.
Đại biểu Sùng Thìn Cò đánh giá, lực lượng công an hiện nay "quá đông", vì vậy nếu thêm lực lượng nữa thì "chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm và xử lý tình hình?".
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định đề xuất giải pháp, nếu chưa ra được Luật thì nên giao Chính phủ ban hành ngay văn bản trên cơ cở các nguyên tắc mà Quốc hội thống nhất trong nghị quyết kỳ họp. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ đại biểu Lê Thanh Vân. "Một vấn đề không chế định được bằng luật thì không nên dùng nghị định. Đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội xem có cần thiết ban hành đạo luật này không?", ông Vân nói.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định các lực lượng được nêu trong dự án Luật đang có sẵn. "Công an chưa từng từ chối, thoái thác nhiệm vụ cho lực lượng khác trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội", ông nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, vì hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp nên phải quy định bằng luật.
"Con số chúng tôi không nghĩ ra mà thống kê theo quy định trong luật, như lực lượng dân phòng nếu bố trí theo đúng luật, mỗi xóm thôn có 10 người thì tổng cộng có khoảng 2 triệu người, khi xây dựng luật này giảm khoảng 500.000 người", ông Tô Lâm nói thêm.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói, trên cơ sở ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ và báo cáo xin ý kiến Quốc hội để quyết định.