Sáng 17/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu các vấn đề liên quan đến dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là hai dự Luật được tách ra từ Luật Giao thông Đường bộ hiện hành (thông qua năm 2008).
Theo quy trình, các dự Luật này được thảo luận lần đầu tại kỳ họp này và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo đầu năm 2021. Tuy nhiên, quá trình thảo luận, còn những vấn đề lớn có quan điểm khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định xin ý kiến đại biểu.
Kết quả, 302 (chiếm 62,79%) đại biểu không đồng ý tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng (Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ).
321 (chiếm 66,74%) đại biểu không đồng ý với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Về thời điểm thông qua luật - nếu tách sẽ có hai luật như nêu trên, còn không tách thì chỉ có Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi), 251 (chiếm 52,18%) đại biểu đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa sau, tại kỳ họp thứ hai (dự kiến cuối năm 2021) xem xét.
Kết quả lấy ý kiến nêu trên sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển cho cơ quan soạn thảo nghiên cứu; làm cơ sở để tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật trong lần trình tiếp theo.
Hôm qua 16/11, Quốc hội lần lượt thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một số ý kiến ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc tách luật và chuyển thẩm quyền quản lý lĩnh vực sát hạch lái xe sang Bộ Công an. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình.
Ông Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đánh giá, thực tiễn công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, thuận tiện, nhiều người dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Việt Nam đã gia nhập công ước Vienna và giấy phép lái xe có giá trị sử dụng ở 85 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên công ước này.
Theo đại biểu Hận, hiện nay trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, băng nhóm số đề... vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách hiệu quả, do vậy lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ của mình cần giải quyết tốt vấn đề nêu trên, "không nhận thêm nhiệm vụ khác".
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, đề nghị nếu tách hai luật thì ngành công an chuyển cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải và giữ nguyên quyền lợi, chế độ.
Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nói Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, thủ tục hành chính và không lãng phí; tất cả thủ tục vẫn theo các quy định từ trước đến nay đã có.
"Đây không phải là việc tách luật, chia luật hoặc chia quyền, chúng tôi không có ý đó", ông Tô Lâm khẳng định.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp, xin ý kiến đại biểu về các vấn đề lớn của cả hai dự án luật.
Từ năm 1995, Bộ Giao thông Vận tải nhận nhiệm vụ cấp giấy phép lái xe ôtô, môtô từ Bộ Công an. Khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đến nay, Việt Nam có 463 cơ sở đào tạo lái xe môtô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ôtô với hệ thống vật chất trang thiết bị đáp ứng yêu cầu.