Trong số các ca nhiễm trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, một người đã tử vong, 14 người hồi phục sau hai lần xét nghiệm âm tính với nCoV, một người đang được điều trị tại Bệnh viện Hải quân Mỹ trên đảo Guam và không ai phải chuyển tới đơn vị chăm sóc tích cực (ICU). Các quan chức hải quân cho biết còn "số lượng nhỏ" xét nghiệm đang chờ xử lý.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt với khoảng 4.800 thành viên thủy thủ đoàn đã neo đậu tại cảng Guam khoảng một tháng, sau khi nhận lệnh đình chỉ nhiệm vụ và quay về do phát hiện thủy thủ nhiễm nCoV. Đại tá Brett Crozier, người viết bức thư cầu cứu kêu gọi sơ tán hàng nghìn thủy thủ trên tàu, bị cách chức hạm trưởng hôm 3/4 vì "gây hoảng loạn trên tàu" và làm gia đình thành viên thủy thủ đoàn "lo lắng không cần thiết".
Giới chức hải quân Mỹ cho biết khoảng 60% ca nhiễm trên tàu Theodore Roosevelt không triệu chứng, khiến họ không thể xác định bao nhiêu binh sĩ nhiễm virus và hồi phục trước khi được xét nghiệm. Quy mô lây nhiễm trên tàu sân bay sẽ được làm rõ khi hải quân Mỹ hoàn tất điều tra dịch tễ bằng bộ thử huyết thanh tìm kháng thể, vốn tồn tại lâu trong máu.
Ba tàu sân bay Nimitz, Ronald Reagan và Carl Vinson cùng một số chiến hạm khác của hải quân Mỹ đã ghi nhận ca nhiễm nCoV trong thủy thủ đoàn. Một quan chức giấu tên cho biết nCoV đã xâm nhập ít nhất 26 chiến hạm của hải quân Mỹ trong vài tuần qua.
Giới chức hải quân Mỹ cho biết gần 50 ca nhiễm được ghi nhận trên khu trục hạm USS Kidd, khiến chiến hạm phải hủy chuyến tuần tra chống tội phạm ma túy ở Nam Mỹ để về cảng khử trùng. Khoảng 45% trong số hơn 300 thủy thủ trên USS Kidd đã được xét nghiệm, hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 27/4.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3 triệu ca nhiễm, hơn 210.000 người chết và gần 892.000 người đã hồi phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần một triệu ca nhiễm nCoV, trong đó gần 57.000 người chết.
Nguyễn Tiến (Theo Navy Times)