Đến ngày 4/4, cơn sốt bắt đầu đến, nối tiếp bằng những cơn đau ngực và chân, nữ thủy thủ giấu tên trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiết lộ hôm 13/4. Đội ngũ y tế trên chiến hạm bị quá tải và không thể đo thân nhiệt cho toàn bộ thủy thủ đoàn, buộc cô phải tự điều trị bằng những loại thuốc mang theo từ khi rời bến.
Nữ thủy thủ liên tục yêu cầu được xét nghiệm và được chấp thuận. Tuy nhiên, trong gần một tuần vật lộn với các triệu chứng và chờ đợi kết quả, cô vẫn phải sinh hoạt trong khoang tàu chật hẹp cùng một đồng đội khỏe mạnh, cũng như làm việc 16 tiếng mỗi ngày mà không đeo khẩu trang.
"Tôi chỉ muốn mang súp cho nó. Con gái tôi nói rằng: 'Mẹ, con thấy như sắp chết'. Tôi hoàn toàn bất lực khi biết con gái ở cách mình nửa vòng thế giới, đang nhiễm virus nguy hiểm và hoàn toàn đơn độc", mẹ của nữ thủy thủ cho hay.
Nhiều binh sĩ trên tàu đã tiết lộ quá trình lây lan Covid-19 trên USS Theodore Roosevelt trong vòng hai tuần, đưa ra bức tranh xám xịt về tình hình đối phó dịch bệnh trên chiến hạm khi họ không thể thực hiện cách biệt cộng đồng và thường xuyên phải tiếp xúc với nhau, trái với những tuyên bố lạc quan của giới chức hải quân Mỹ.
Phần lớn thủy thủ và gia đình muốn giấu tên vì lo ngại bị trừng phạt. Các phụ huynh cho biết con họ phải làm việc mà không có khẩu trang dù đã có triệu chứng, đôi khi phải xé áo để che mặt, trong lúc vẫn phải vệ sinh khoang tàu và nấu ăn cho thủy thủ đoàn.
Một thủy thủ dương tính nCoV khẳng định anh muốn ở trên tàu, thay vì vào khu cách ly tập trung tại căn cứ Guam vì tình trạng quá đông người, thiếu nhu yếu phẩm, bẩn thỉu và đồ ăn đơn điệu. Một người khác kể về những đêm ngủ trong khoang chung với nhiều tiếng ho xuyên đêm.
Phát ngôn viên hải quân Mỹ J. Myers Vasquez bác bỏ một số thông tin, cho biết thủy thủ trên tàu Theodore Roosevelt sẽ được tăng tốc xét nghiệm và cách ly nếu có triệu chứng giống cúm. Nếu được xác nhận dương tính nCoV, họ sẽ được đưa khỏi tàu để theo dõi trong 14 ngày.
Những người không có triệu chứng cũng được kiểm tra và mất khoảng ba ngày để chờ kết quả từ phòng xét nghiệm ở Hàn Quốc. Đến ngày 5/4, thủy thủ đoàn đã thực thi chỉ dẫn y tế liên bang và dùng khẩu trang che miệng.
"Chuyên viên y tế hải quân đánh giá sức khỏe những người cách ly hai lần mỗi ngày, thức ăn và quần áo được chuyển tận nơi cho họ. Thủy thủ được sử dụng mạng wifi để kết nối với chỉ huy, gia đình và bạn bè, cũng như tiếp cận dịch vụ tư vấn và nghi lễ tôn giáo", phát ngôn viên Vasquez nói.
Dù vậy, một số thủy thủ cho biết tình trạng trên tàu USS Theodore Roosevelt vẫn rất tồi tệ sau hai tuần đình chỉ nhiệm vụ và neo tại quân cảng Guam. Bệnh dịch vẫn lây lan nhanh sau khi ba trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên được ghi nhận hôm 25/3.
Nhiều binh sĩ trẻ bắt đầu lo lắng trong lúc chạy đua với thời gian để khử trùng tàu. Hạm trưởng Crozier có cùng suy nghĩ và viết thư cầu cứu gửi lãnh đạo hải quân Mỹ hôm 30/3, nhưng đề xuất bị bác bỏ và ông cũng nhanh chóng bị cách chức. Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly sau đó cũng phải từ chức vì chỉ trích nặng nề Crozier trước thủy thủ đoàn.
Lầu Năm Góc cuối tuần trước thông báo 92% thủy thủ đoàn đã được xét nghiệm, trong đó hơn 3.700 người đã được sơ tán, gần giới hạn do hải quân Mỹ đặt ra. Gần 600 người đã được xác nhận dương tính nCoV, trong đó một thủy thủ qua đời hôm 13/4 do biến chứng nặng.
"Đó là cảm giác bất lực, hoàn toàn bất lực. Chúng tôi đáng lẽ phải chăm sóc con mình. Tôi biết nó đã trưởng thành, nhưng đó luôn là con trai bé bỏng của tôi", Renea Blakewood, mẹ của một thủy thủ trên tàu, cho biết.
Elizabeth Paz, cư dân bang Oklahoma, lập tức gửi tin nhắn cho con gái 19 tuổi, người đang thực hiện chuyến triển khai đầu tiên trên USS Theodore Roosevelt. Paz kể về bức thư của Crozier và con gái bà cũng bày tỏ lo ngại tương tự đại tá Crozier, cho biết không thể duy trì cách biệt cộng đồng giữa hàng nghìn thủy thủ trên không gian chật chội của tàu sân bay.
"Hãy đề đạt nhu cầu được chăm sóc. Nếu con bị ốm, mẹ có thể gọi điện thoại để con nói chuyện với y bác sĩ, mẹ rất muốn đưa con về nhà. Bệnh dịch xảy ra rất nhanh, con có thể đổ bệnh trong chớp mắt", Paz gửi tin nhắn cho con gái.
Một sĩ quan trên tàu cho biết tâm lý thủy thủ trên tàu rất rối loạn. "Tôi đã trực tiếp thấy cảm xúc tức giận, đau buồn, lo lắng và thậm chí là sợ hãi", người này cho hay.
Sau vài ngày yên ắng, điện thoại của Paz báo tin nhắn lúc 4h30 ngày 2/4. Con gái bà cho biết một đồng đội ngồi cách cô chỉ vài mét đã xét nghiệm dương tính nCoV và các thủy thủ được lệnh rời khỏi khu vực làm việc.
Tuy nhiên, con gái Paz không được xét nghiệm dù tiếp xúc gần với bệnh nhân và đã có triệu chứng. Cô tiếp tục phải làm việc theo ca kéo dài nhiều giờ. "Mọi người đều sẽ nhiễm nCoV vào thời điểm nào đó, không có cách nào tránh được", con gái Paz gửi tin nhắn cho bà.
Tình hình tiếp tục xấu đi trên tàu Roosevelt. Số ca nhiễm mới liên tục tăng, trong lúc gia đình có những lo ngại mới.
"Con gái tôi được xác nhận mắc Covid-19. Nó vẫn khỏe nhưng đang rất khó chịu. Nó đã được đưa khỏi tàu và đang phải ngủ trên giường gấp trong phòng bếp", một người mẹ viết trên nhóm Facebook dành cho các gia đình thủy thủ đoàn.
Nữ thủy thủ phải tự điều trị vẫn không có khẩu trang và tiếp tục làm việc trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, cô vẫn ngủ ở giường tầng, bên cạnh đồng đội không có triệu chứng.
"Con phải đeo khẩu trang, con kiếm khẩu trang ở đâu?", mẹ cô nói qua điện thoại. "Mẹ, họ không phát khẩu trang cho bọn con", nữ thủy thủ đáp lại.
"Tôi cảm thấy con mình như đang phải ngồi tù. Bạn bè tôi bảo nó còn trẻ, khỏe mạnh và sẽ ổn, nhưng đó không phải con họ", người mẹ cho biết.
Elizabeth Paz sau đó cũng nhận được tin nhắn thông báo âm tính nCoV từ con gái. Cô cho biết đang được cách ly thêm tại một bệnh viện ở Guam.
Còn mẹ của nữ thủy thủ phải tự điều trị tỏ ra không hài lòng. Con gái bà nhận kết quả dương tính nCoV hồi cuối tuần trước và được chuyển tới cách ly ở nhà thể chất.
"Tôi đã chuẩn bị tinh thần vì nó có mọi triệu chứng suốt cả tuần qua. Tôi rất lo lắng và sợ hãi. Họ để một người nghi nhiễm nCoV trên tàu suốt 6 ngày, không cách ly và cũng không phát khẩu trang. Đó là hành động rất vô trách nhiệm", bà cho hay.
4 tàu sân bay Mỹ gồm Nimitz, Ronald Reagan, Carl Vinson và Theodore Roosevelt cùng một số chiến hạm khác đã báo cáo thủy thủ nhiễm nCoV. USS Theodore Roosevelt là tàu ghi nhận nhiều người mắc Covid-19 nhất với gần 600 ca dương tính nCoV, chiếm 75% tổng số ca nhiễm trong hải quân Mỹ, trong đó một thủy thủ đã chết hôm 13/4 vì biến chứng nặng.
Vũ Anh (Theo San Francisco Chronicle)