Đã không có tiếng chân người thăm gác trọ đêm ba mươi, thay vào đó là một chuỗi tiếng gió buồn vô hạn. Tiếng gió xát mạnh vào lũy tre như xát mạnh vào lòng kẻ tha hương. Tiếng gió vô tình như cố ý làm lòng kẻ tha hương tan chảy với nỗi nhớ da diết quê nhà. Nhớ như in quê nhà ngày giáp Tết, nhớ da diết khôn nguôi phong vị Tết quê mình, nơi miếng bánh nếp đã thành một phần máu thịt.
Ai một lần xa quê, mới cảm nhận đêm cuối năm buồn và dài đến nhường nào. Tiếng gió cứ xào xạt mãi, theo tâm trạng bồi hồi và luyến nhớ của ai kia. Nhớ và buồn vì thêm một mùa Tết nữa mẹ vẫn thui thủi một mình chuẩn bị Tết, luyến nhớ nhiều vì tiếng đập rộn rã của tiếng chày làm bánh nếp của ba ngày mỗi chậm nhịp.
Món bánh nếp quê mình ngày giáp Tết sao ngọt ngào thế, đã theo con rong ruổi bao quãng đường đời, giờ vẫn còn nguyên vị trong tâm khảm. Con vẫn còn nhớ như in, mình đã thức dậy lúc nửa đêm bởi tiếng chày quen thuộc đó, đã rón rén đến bên ba, để xin những miếng bánh rơi vãi ra bởi sức ép từ cái đập mạnh tay.
Bao giờ cũng thế, sau những tiếng chày rộn rã, ba lại cặm cụi bên chiếc máy may. Những ngày cuối năm mới có dịp nghe mùi vải mới, những thớ vải màu carô ưa thích của ba. Ba thích nó bởi đó sở thích đặc biệt là hay chỉ mua nỗi nó cho chúng con mỗi ngày Tết đến?! Sau này mỗi lần đi xa, khoác lên mình mùi vải mới, cảm giác thật dịu dàng. Phải chăng là từ mùi vải mới hay chính lòng trông ngóng của ba?
Miên man về một mùa xuân mới, với nhiều ước mơ và hy vọng. Ước mơ thật gần được một bữa cơm gia đình sum vầy với món bánh nếp năm xưa, để người đi xa đắm mình mãi trong miếng bánh ngọt tuổi thơ tôi.
Vội khoác lên mình tấm chăn đẫm mùi nhớ nhung, không mong có người thăm gác trọ đêm nay, chỉ mong mình đắm trong mùi của hương Tết, quyện dày lòng mong ngóng của mẹ, thêm nhiều tình thương mến của ba tôi.
Lê Phú