Reuters hôm 3/11 dẫn nguồn thạo tin cho biết các nước G7 và Australia sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng đã nhất trí thông qua kế hoạch chưa từng có về áp giá trần với các lô dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển. Mức giá trần với dầu thô Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12 trong khi các sản phẩm dầu tinh chế bị áp giá trần từ ngày 5/2 năm sau.
"Liên minh đã đồng ý rằng giá trần sẽ là mức giá cố định được xem xét thường xuyên. Điều này sẽ làm tăng tính ổn định của thị trường và đơn giản hóa việc tuân thủ quy định nhằm giảm thiểu gánh nặng cho các bên tham gia thị trường", nguồn tin nói.
Giá trần ban đầu với dầu mỏ Nga chưa được công bố, nhưng sẽ có trong vài tuần tới, theo các nguồn tin.
Nga là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nhóm G7 lo ngại rằng việc thả nổi giá dầu mỏ theo giá dầu Brent có thể khiến Nga đối phó bằng cách giảm nguồn cung, vì điều đó khiến giá dầu Brent tăng và giá dầu Nga tăng theo.
Nguồn tin nhận định nhược điểm của cách áp giá cố định với dầu mỏ Nga là sẽ đòi hỏi nhiều cuộc họp của các bên để xem xét lại mức giá này thường xuyên.
Nga nhiều lần cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để đối phó với tác động tiêu cực nếu phương Tây áp giá trần. Điện Kremlin cũng tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu xuất khẩu Nga. Năm 2021, khối này nhập từ Nga khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)