Chuyến công du đầu tiên thử thách chiến lược ngoại giao của Biden
Biden là người rất giàu kinh nghiệm ngoại giao, nhưng trong 4 năm ông vắng mặt thời Trump, thế giới đã thay đổi rất nhiều.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lâu nay cho thấy ông là người luôn muốn xây dựng các mối quan hệ, không chỉ với những thành viên đảng Dân chủ hay Cộng hòa ở trong nước, mà còn với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu, những người đã mệt mỏi và kiệt sức sau 4 năm nhiệm kỳ của Donald Trump.
Các mối quan hệ trong nước vẫn được duy trì. Nhưng khi Biden có chuyến công du quốc tế đầu tiên trên cương vị tổng thống vào tuần này, nó sẽ giúp trả lời câu hỏi liệu thương hiệu ngoại giao cá nhân và sự quen thuộc của ông với những lãnh đạo nước ngoài có thể tạo ra kết quả tốt đẹp cho Mỹ hay không.
Chuyến công du bắt đầu bằng cuộc gặp đầu tiên vào ngày 9/6 với Thủ tướng Anh Boris Johnson, một trong những đồng minh thân cận nhất với Mỹ, và kết thúc sau 6 ngày nữa bằng cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, một trong những đối thủ "khó nhằn" nhất.
"Xuyên suốt hành trình, chúng ta sẽ làm rõ rằng nước Mỹ đã trở lại", Biden nói với các binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại RAF Mildenhall, một căn cứ quân sự của Anh, không lâu sau khi ông hạ cánh xuống nước này ngày 9/6. "Các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất cũng như những vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai chúng ta".
Biden là một trong những tổng thống Mỹ dày dạn kinh nghiệm nhất về đối ngoại. Ông trở thành thượng nghị sĩ từ năm 1973, từng giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đồng thời đóng vai trò quyết định hàng loạt vấn đề toàn cầu then chốt khi giữ chức phó tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama.
Tại mỗi điểm dừng chân trong chuyến công du tuần này, từ Vịnh Carbis của Anh đến Brussels hay Geneva, Tổng thống Biden sẽ tìm cách tận dụng mối quan hệ cá nhân của mình với các lãnh đạo thế giới nhằm tái thiết lập vị thế Mỹ trên trường quốc tế.
"Ông ấy luôn sẵn sàng trong 50 năm qua", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay. "Ông ấy đã bước lên sân khấu quốc tế từ lâu. Ông ấy quen biết một số nhà lãnh đạo suốt nhiều thập kỷ.... và không gì hiệu quả bằng ngoại giao trực diện".
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng có thể phải đối mặt với những hạn chế của hoạt động ngoại giao cá nhân. Kể từ thời điểm Biden rời ghế phó tổng thống đến khi ông trở lại Nhà Trắng, thế giới trong 4 năm qua đã nghiêng về phía dân túy và một số gương mặt lãnh đạo mới đã xuất hiện, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Anh Johnson.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao cho rằng sự hấp dẫn cá nhân của Tổng thống Biden là chưa đủ để lay động những lãnh đạo khác. Dù có mối quan hệ lâu dài với Biden, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không nhượng bộ khi Biden lặng lẽ gây áp lực, yêu cầu ông ngừng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza trong cuộc xung đột mới đây nhất. Biden sau đó phải thay đổi chiến thuật bằng việc gây áp lực trực tiếp với Israel.
Hầu hết các lãnh đạo mà Tổng thống Biden gặp ở châu Âu có lẽ đều sẽ cảm thấy biết ơn khi Mỹ quay trở lại chính sách đối ngoại dễ đoán hơn so với thời Trump, ngoại trừ Tổng thống Nga Putin.
Trong lúc Biden phát biểu trước các binh sĩ ở Mildenhall hôm 9/6, Nga đã ra lệnh cấm phong trào đối lập do chính trị gia đối lập Alexei Navalny dẫn đầu. Hành động này dường như là thông điệp gửi tới Tổng thống Mỹ rằng Điện Kremlin sẽ không cúi đầu trước áp lực từ nước ngoài.
Ngoài việc dự các phiên họp G7 trong chuyến thăm 4 ngày tới Anh, Biden sẽ gặp riêng Thủ tướng Johnson, tới thăm Nữ hoàng Elizabeth II ở Lâu đài Windsor. Ông dự kiến có các cuộc hội đàm với những đồng minh khác, như Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga bên lề hội nghị G7. Ngày 14/6, Biden được cho là sẽ gặp mặt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Dù vậy, cuộc gặp ngày 16/6 với Tổng thống Nga Putin ở Thụy Sĩ mới được nhiều nhà ngoại giao coi là sự kiện chính. Biden dự kiến thách thức người đồng cấp Nga về các vấn đề như tấn công mạng, vi phạm nhân quyền, song vẫn tìm kiếm hợp tác sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là kiểm soát vũ khí.
Mục tiêu chính của cuộc gặp là thể hiện sự khác biệt rõ nét trong cách tiếp cận của Mỹ với Nga, giới chuyên gia nhận định. Các cố vấn của Biden tuần qua đã nỗ lực giải thích rằng dù Tổng thống Mỹ là người đề xuất cuộc gặp, đây không phải phần thưởng dành cho lãnh đạo nước Nga, như một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích.
"Joe Biden không gặp Vladimir Putin bất chấp khác biệt giữa hai nước. Ông ấy gặp vì hai nước có sự khác biệt", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói. "Chúng tôi tin rằng nghe trực tiếp từ Tổng thống Putin là cách hiệu quả nhất để hiểu các mục đích và kế hoạch của Nga".
Theo giới quan sát, chuyến công du còn là cơ hội để Tổng thống Biden tự mình kiểm tra tác động của khẩu hiệu "Nước Mỹ đã trở lại".
Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris và tiến hành các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Những nỗ lực này được các lãnh đạo châu Âu đánh giá cao, nhưng họ đồng thời cũng đang trong tâm lý cảnh giác trước cuộc bạo động Đồi Capitol ngày 6/1 và lo ngại rằng chính trị Mỹ có thể lại quay sang chủ nghĩa dân tộc.
Với bối cảnh chính trị Mỹ như hiện nay, một số nhà ngoại giao đánh giá Tổng thống Biden sẽ không thể tự do hành động trong một số lĩnh vực.
"Ông ấy biết vấn đề, biết tất cả mọi người và ông ấy rất nhiệt huyết. Nhưng mặt khác, ông ấy có những ưu tiên nội bộ riêng. Ông ấy là tổng thống Mỹ, vừa chứng kiến vụ bạo động ngày 6/1 và rõ ràng ông ấy cũng cần hoàn thành chương trình nghị sự nội bộ. Cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ còn cách một năm nữa. Áp lực rất lớn, chúng ta đều hiểu điều đó", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nhận xét.
Cuộc họp của G7 sẽ tập trung vào khôi phục kinh tế và áp lực ngày càng tăng đối với các quốc gia giàu có như Mỹ và Anh trong việc cung cấp vaccine Covid-19 cho những nước nghèo hơn.
Vì đại dịch nên phiên họp G7 với Anh, Canada, Pháp, Nhật, Đức và Italy sẽ là cơ hội đầu tiên để Tổng thống Biden gặp mặt trực tiếp những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã gây náo động hai hội nghị của G7 ở Canada và Pháp vì chương trình nghị sự thương mại "Nước Mỹ trước tiên" cùng thái độ thù địch của ông với ngay cả với các đồng minh.
Phiên họp này được dự đoán bình lặng hơn, thậm chí buồn tẻ, khi Biden đến tham dự với mục tiêu trọng tâm là tái thiết lập bầu không khí hợp tác và cách tiếp cận dễ đoán.
"4 năm qua thực sự không dễ dàng", một quan chức châu Âu nói, thêm rằng chính phủ của ông hiện tại "không thể tìm thấy bất kỳ vấn đề nào mà họ bất đồng" với Mỹ, điều thậm chí khó xảy ra ngay cả dưới chính quyền Obama. Với G7 và NATO, đây là "một khoảnh khắc hiếm có", ông nhấn mạnh.
Trong khi vẫn còn một số lo lắng về các vấn đề như thuế quan và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, quan chức này cho rằng cảm quan chung hiện nay là "chúng tôi (Mỹ và châu Âu) thực sự có thể xây dựng nền tảng vững chắc" về hợp tác kinh tế, công nghệ, môi trường cũng như thống nhất cách tiếp cận trước Trung Quốc.
Trump trước đây thường thể hiện thái độ coi thường rõ ràng NATO, nói rằng các thành viên liên minh đã lợi dụng Mỹ và không đóng góp ngân sách quốc phòng cho khối tương xứng với Washington. Tại một cuộc họp của NATO vào năm 2018, Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi khối nếu các thành viên khác không tăng đóng góp.
Các lãnh đạo NATO giờ đây hy vọng nước Mỹ dưới thời Biden sẽ thay đổi.
"Điều quan trọng là Tổng thống Biden có một cam kết cá nhân mạnh mẽ với NATO, tôi cảm nhận được điều đó", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Ông ấy đã đến trụ sở NATO không ít lần. Tất nhiên, kiến thức cá nhân của ông ấy về NATO và châu Âu cũng quan trọng không kém".
Biden và Stoltenberg hôm 7/6 gặp mặt ở Washington. Tổng thư ký NATO và Tổng thống Mỹ đã truyền đi "một thông điệp rất mạnh mẽ" về ủng hộ lẫn nhau.
Dù vậy, Biden vẫn cần xoa dịu những tổn thương của các đối tác trong NATO, những người cảm thấy bị qua mặt bởi việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
"Các đồng minh châu Âu đã hiểu nhầm về thông báo rút quân của chính quyền Biden", Constanze Stelzenmuller, học giả tại Trung tâm Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, bình luận. "Họ đồng tình với quyết định đó, nhưng họ cảm thấy không được tham vấn đầy đủ về kế hoạch".
Biden cũng sẽ gặp các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels. Đại sứ EU tại Mỹ Stavros Lambrinidis cho biết cuộc gặp này sẽ có hai khán giả chính.
"Một khán giả chính là người của chúng tôi, người dân châu Âu và Mỹ", ông nói. "Với khán giả này, điều quan trọng nhất là chúng tôi phải chứng minh được liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ mang lại an ninh và thịnh vượng cho người dân theo cách mà nếu đứng một mình, chúng ta không thể làm nổi", ông nhấn mạnh.
Khán giả thứ hai, theo Lambrinidis, là tất cả những lãnh đạo "chuyên chế" trên thế giới. "Những lãnh đạo như vậy nên cẩn thận và cảnh giác, bởi liên minh này sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn điều đó xảy ra".