"Sử dụng đạn thật chống lại người không vũ khí là điều không thể chấp nhận được. Bất kỳ ai phản ứng với biểu tình ôn hòa bằng bạo lực đều phải chịu trách nhiệm", ngoại trưởng các nước G7 hôm nay ra tuyên bố chung.
Khối G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Pháp, Mỹ và Nhật Bản cũng như đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu, nhắc lại lập trường phản đối với cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội Myanmar và hành vi đàn áp các cuộc biểu tình.
"Chúng tôi lên án việc đe dọa và đàn áp những người phản đối đảo chính. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về đàn áp tự do ngôn luận, bao gồm cắt Internet và những sửa đổi hà khắc với luật tự do ngôn luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Myanmar trong hành trình đòi dân chủ và tự do", tuyên bố của ngoại trưởng các nước G7 có đoạn.
G7 kêu gọi chấm dứt việc "nhắm mục tiêu có hệ thống" vào những người biểu tình là y bác sĩ, nhà báo, yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar hủy bỏ tình trạng khẩn cấp đã tuyên bố. G7 cũng kêu gọi quân đội Myanmar cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo được tiếp cận đầy đủ để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương.
"Chúng tôi đồng lòng lên án đảo chính ở Myanmar. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều cho những người bị bắt giam tùy tiện, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint".
Từ khi quân đội lên nắm quyền, 640 người Myanmar đã bị bắt giam trong các cuộc biểu tình chống đảo chính, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Phần lớn đất nước Myanmar trở nên hỗn loạn sau vụ đảo chính hôm 1/2. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường suốt nhiều ngày qua để biểu tình phản đối đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội.
Ít nhất ba người đã thiệt mạng do trúng đạn từ lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình, trong khi quân đội Myanmar thông báo một sĩ quan cảnh sát cũng tử vong vì vết thương quá nặng khi đụng độ người biểu tình ở Mandalay.
Chính quyền quân sự của Myanmar đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm tới những động thái lên án từ quốc tế. Anh, Mỹ và Canada đều đã tung ra các lệnh trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh quân đội hàng đầu nước này. Liên minh châu Âu tuyên bố sẵn sàng áp lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar.
Hồng Hạnh (Theo AFP)