"Việc sử dụng vũ lực gây chết người, đe dọa và quấy rối những người biểu tình ôn hòa là không thể chấp nhận được", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres viết trên mạng xã hội Twitter ngày 21/2. "Mọi người đều có quyền tụ tập trong hòa bình. Tôi kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử và quay lại chế độ dân sự".
Hai người thiệt mạng ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, hôm qua khi cảnh sát nổ súng để giải tán những người phản đối cuộc đảo chính quân sự tại đây. Một số người bị thương nghiêm trọng. AFP đưa tin rằng lực lượng an ninh đã bắn đạn thật, đạn cao su và bi sắt.
"20 người bị thương và hai người đã chết", Ko Aung, lãnh đạo đội cấp cứu tình nguyện Parahita Darhi ở thành phố, cho biết. Một bác sĩ tình nguyện xác nhận có hai trường hợp tử vong. "Một người bị bắn vào đầu chết tại chỗ. Một người khác chết sau đó với vết thương ở ngực", ông nói.
Trong khi đó, Hlaing Min Oo, đội trưởng một đội cứu hộ khẩn cấp tình nguyện tại Mandalay, nói rằng 30 người bị thương, một nửa trong số này trúng đạn thật. Một nguồn tin cho biết nạn nhân tử vong do bị bắn vào đầu chưa tròn 18 tuổi.
Phần lớn đất nước Myanmar trở nên hỗn loạn sau khi quân đội hôm 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử. Họ tiếp quản chính quyền với lý do có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, với việc đảng của Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo.
Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường suốt nhiều ngày qua để biểu tình phản đối cuộc đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội.
Chính quyền quân sự của Myanmar đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm tới những động thái lên án từ quốc tế. Anh, Mỹ và Canada đều đã tung ra các lệnh trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh quân đội hàng đầu nước này.
Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/2 sẽ nhóm họp để thảo luận những biện pháp phản ứng với khủng hoảng ở Myanmar.
Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 20/2 kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar "lập tức ngừng các hành động bạo lực với dân thường" sau sự việc ở Mandalay.
Suu Kyi bị giam với cáo buộc nhập khẩu trái phép bộ đàm và vi phạm luật quản lý thiên tai. Bà vẫn chưa xuất hiện trước công chúng từ khi bị giam. Luật sư cho hay bà đã gặp một thẩm phán qua cuộc gọi video nhưng các luật sư không thể tham dự vì chưa được cấp giấy ủy quyền. Cố vấn Nhà nước Myanmar dự kiến xuất hiện trong phiên điều trần ngày 1/3.
Vũ Hoàng (theo AFP)