Chiến lược chính sách tiền tệ mới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được Chủ tịch Fed Jerome Powell công bố ngay đầu hội nghị hàng năm Jackson Hole được tổ chức hôm qua (27/8). Fed cam kết giải quyết "thiếu sót" trong "mục tiêu bao trùm" về lao động. Họ cũng nhắm đến mục tiêu lạm phát trung bình 2%, tức là sau thời kỳ lạm phát quá thấp sẽ được bù đắp bằng các nỗ lực đẩy lạm phát "lên trên 2%" sau đó.
Đây có lẽ là sự thay đổi chính sách lớn nhất kể từ khi cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker tuyên bố cơ quan này sẽ tập trung kiềm chế lạm phát cách đây 4 thập kỷ. Khi đó, lạm phát tại Mỹ liên tục đi lên.
Chiến lược chính sách mới của Powell được thiết kế trong bối cảnh lạm phát yếu, lãi suất thấp và tăng trưởng chậm được dự báo kéo dài. Việc này khiến thị trường lao động trở thành ưu tiên hàng đầu.
Thay đổi này cũng ám chỉ lãi suất cho vay qua đêm của Fed, hiện duy trì quanh 0%, sẽ được giữ ở mức này trong nhiều năm tới. "Thông tin ở đây không phải là Powell không muốn nâng lãi suất", Vincent Reinhart – kinh tế trưởng tại Mellon cho biết, "Mà là Fed giờ sẽ đưa vào các văn bản nội dung về mức độ chấp nhận lạm phát của cơ quan này".
Trong mô tả về chính sách mới, Fed cho biết những thay đổi này nhằm thừa nhận "thị trường việc làm và lạm phát đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục đi xuống". Fed cam kết sử dụng "toàn bộ công cụ" để đạt mục tiêu bình ổn giá cả và thị trường lao động vững mạnh. Đây là hai nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan này.
"Tuyên bố sửa đổi của chúng tôi phản ánh việc Fed đề cao lợi ích từ thị trường lao động vững mạnh, đặc biệt trong nhóm người thu nhập thấp và trung bình. Thị trường lao động có thể được duy trì ở mức lạc quan mà không khiến lạm phát bất ngờ tăng tốc", Powell cho biết khi giải thích về những thay đổi này đầu phiên họp, "Mục tiêu này đòi hỏi nhiều chính sách ngoài nới lỏng tiền tệ".
Fed hôm qua cũng công bố nhiều tài liệu và nghiên cứu về chủ đề này. Trong đó có một tài liệu cho rằng theo đuổi mục tiêu lạm phát trung bình sẽ giúp nhiều người Mỹ hưởng lợi từ nền kinh tế hơn.
Khi hàng chục triệu người Mỹ đang mất việc vì đại dịch, nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu và Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, cách tiếp cận mới của Fed được coi là sự thừa nhận các thay đổi căn bản về nền kinh tế (vốn đã xuất hiện từ trước đại dịch), đồng thời vẽ ra bản đồ giúp Fed lập kế hoạch thực hiện chính sách trong tương lai.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng bản đồ này vẫn còn khá mù mờ. Fed nói rằng sẽ thay đổi cách quản lý chính sách tiền tệ, nhưng không đưa ra cam kết rõ ràng rằng sẽ giữ lãi suất thấp trong bao lâu, hoặc cho phép lạm phát lên cao đến mức nào. Trên thực tế, Powell cho biết cách tiếp cận mới với lạm phát không có công thức toán học cụ thể nào.
Trên CNBC hôm qua, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan cho biết ông sẽ không hài lòng với việc giữ nguyên lãi suất nếu lạm phát ở mức 3% trong cả năm.
Phản ứng của thị trường thì cho thấy nhà đầu tư tin rằng Fed nghiêm túc trong cách tiếp cận mới. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài – loại nhạy cảm nhất với rủi ro lạm phát – đã lên cao nhất hơn 2 tháng. Chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm, khi S&P 500 lập đỉnh phiên thứ 5 liên tiếp. Đồng đôla Mỹ thì gần như không biến động so với rổ tiền tệ lớn.
Trên thị trường vàng, giá ban đầu tăng 50 USD, sau đó giảm gần 70 USD chỉ trong một giờ khi Powell đang phát biểu. "Những bình luận của Powell đã khiến thị trường tài sản biến động mạnh, đặc biệt là vàng. Kim loại quý tăng gần 50 USD, nhưng sau đó đảo chiều hoàn toàn khi thị trường nhận ra ông ấy không đưa ra được thông tin gây ngạc nhiên nào", Tai Wong - Giám đốc Giao dịch Hợp đồng Phái sinh Kim loại quý tại BMO giải thích.
Sau sự kiện hôm qua, Fed chỉ còn một phiên họp chính sách vào giữa tháng 9 và sẽ không nhóm họp trở lại cho đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ. Cơ quan này hôm qua cho biết việc đánh giá điều chỉnh khung chính sách trong môi trường lãi suất thấp đã bắt đầu cách đây 2 năm thông qua các cuộc lấy ý kiến công chúng và nghiên cứu. Họ sẽ thực hiện việc đánh giá sau mỗi 5 năm.
Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu Fed có thể đạt mục tiêu lạm phát và việc làm mới hay không. "Chúng ta chưa thể chắc chắn sẽ quay về thị trường việc làm như trước đây", Tharman Shanmugaratnam – Giám đốc Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore cho biết trong cuộc họp hôm qua, "Chúng ta còn chưa quay về thời kỳ tiền Covid đâu".
Hà Thu (theo Reuters)