Trong khảo sát công bố hôm qua (24/8), khoảng nửa thành viên Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) dự báo GDP Mỹ sẽ không quay về mức tiền đại dịch cho đến năm 2022. Còn về thị trường việc làm, phần lớn cho rằng sớm nhất cũng phải đến năm 2022 mới quay về mốc tháng 2/2020.
Gần 80% dự báo khả năng suy thoái kép là 25%. Tức là sau khi hồi phục, nền kinh tế sẽ lao dốc trở lại rồi mới hoàn toàn đi lên.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái từ tháng 2, chấm dứt chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục bắt đầu từ sau khủng hoảng tài chính. GDP quý II của nước này cũng giảm 9,5% so với quý trước.
Đến nay, Mỹ đã tung chính sách kích thích chưa từng có tiền lệ để đối phó suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Dù vậy, các nhà kinh tế học tại NABE vẫn bất đồng khi đánh giá về các động thái của chính phủ. 40% nghĩ rằng chừng đó vẫn chưa đủ. Trong khi đó, 37% cho rằng đã đủ rồi và số còn lại nhận định chính phủ đã làm quá nhiều.
Dù Quốc hội Mỹ vẫn chưa thống nhất được gói kích thích tiếp theo, hơn nửa nhà kinh tế tại NABE vẫn tin rằng chính sách trợ cấp thất nghiệp bổ sung và chương trình bảo vệ tiền lương cho doanh nghiệp nhỏ sẽ được gia hạn. Phần lớn dự báo gói cứu trợ kế tiếp sẽ có quy mô 1.000 tỷ USD hoặc hơn. Gói hồi tháng 3 là 2.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh biến động kinh tế diễn ra trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ, phần lớn chuyên gia nhận định ứng cử viên đảng Dân chủ - Joe Biden sẽ có lợi cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ hơn là Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, các vấn đề chủ chốt mà chính quyền mới phải giải quyết vẫn sẽ là đánh bại đại dịch, thúc đẩy hồi phục kinh tế và thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ đang phình to trong giai đoạn này, do chi tiêu công tăng cao. Tuy nhiên, phần lớn nhà kinh tế học không coi đây là điều đáng lo ngại, do việc kích thích là cần thiết để đưa Mỹ vượt khủng hoảng.
Hà Thu (theo CNN)