Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 11/1, Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đồng thời là cố vấn y tế Nhà Trắng, nhận định loại bỏ nCoV là phi thực tế và "Omicron, với mức độ lây lan rất cao, cuối cùng sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người".
"Không có cách tiêu diệt loại virus này", ông cho hay, chỉ ra lý do xuất phát từ đặc tính dễ lây lan, xu hướng đột biến thành các biến chủng mới và rất nhiều người chưa tiêm chủng Covid-19. Những người tiêm vaccine nhắc lại sẽ duy trì được hiệu quả bảo vệ trước biến chứng nghiêm trọng, nhưng hiệu quả chống lây nhiễm nhờ vaccine đang giảm.
Tuy nhiên, "khi tỷ lệ nhiễm Omicron tăng rồi giảm", Mỹ sẽ có hy vọng bước vào một giai đoạn mới "đủ mức độ bảo vệ trong cộng đồng, đủ thuốc để khi ai đó mắc bệnh và thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được điều trị dễ dàng", ông đánh giá.
"Đến thời điểm đó, sự chuyển đổi sẽ diễn ra và có thể chúng ta đang đứng trước ngưỡng đó rồi", ông nhận định, đồng thời nhấn mạnh Mỹ đang ghi nhận gần một triệu ca nhiễm mới mỗi ngày, gần 150.000 ca nhập viện và hơn 1.200 người chết hàng ngày, nên "vẫn chưa tới thời điểm đó".
Biến chủng Omicron được cho là dễ lây lan hơn, nhưng có tỷ lệ gây bệnh trở nặng thấp hơn Delta. Theo dữ liệu bang New York, tính đến 27/12/2021, hiệu quả ngăn nhập viện theo độ tuổi của vaccine Covid-19 là 92%.
Omicron nhanh chóng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách biến chủng đáng lo ngại khi chứa tới 50 đột biến, phần lớn trong số đó nằm trên protein gai, phần giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các đột biến này có thể cho phép Omicron dễ dàng lây nhiễm cho những người chưa tiêm chủng, có thể tránh né một phần phản ứng kháng thể có được nhờ vaccine hoặc hậu nhiễm.
Hồng Hạnh (Theo AFP)