Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra ước tính trong buổi họp báo hôm nay, dựa trên đánh giá từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington của Mỹ.
Kluge cho biết châu Âu đã báo cáo hơn 7 triệu ca nhiễm nCoV mới vào tuần đầu tiên của năm 2022, tăng hơn gấp đôi trong vòng hai tuần, đồng thời chỉ ra rằng 50/53 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu thuộc WHO đã ghi nhận ca nhiễm Omicron.
Theo số liệu của AFP tính đến ngày 1/1, các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 100 triệu ca nhiễm nCoV kể từ khi đại dịch khởi phát cuối năm 2019, tương đương hơn 1/3 tổng số ca nhiễm toàn cầu. Những nước ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV trên 100.000 dân cao nhất thế giới hiện nay cũng đều thuộc châu Âu.
Dựa trên dữ liệu thu thập được vài tuần qua, Kluge cho biết biến chủng Omicron đã được xác nhận dễ lây lan hơn, với các đột biến giúp nó có thể bám vào tế bào người dễ dàng hơn, đồng thời "có khả năng lây nhiễm cho cả những người từng nhiễm virus hoặc đã tiêm chủng".
Tuy nhiên, Kluge nhấn mạnh "các vaccine đã được phê duyệt vẫn cung cấp khả năng bảo vệ tốt trước nguy cơ trở nặng và tử vong, ngay cả với Omicron". Thêm vào đó, mặc dù còn nhiều thông tin chưa chắc chắn về biến chủng thuộc danh sách đáng lo ngại này, giới khoa học nhận định dường như nó gây bệnh nhẹ hơn
Tại châu Âu, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, số ca tử vong vì Covid-19 lại có xu hướng giảm. Trong tuần cuối cùng của tháng 12/2021, châu Âu ghi nhận trung bình 3.413 trường hợp tử vong vì Covid-19 mỗi ngày, giảm 7% so với tuần trước đó. Con số tồi tệ nhất từng được ghi nhận là trung bình 5.735 ca tử vong mỗi ngày hồi tháng 1/2021.
Ánh Ngọc (Theo AFP)