Sau một tuần Omicron khiến số ca nhiễm nCoV mới tại nhiều nơi tăng kỷ lục, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 7/1 cho biết biến chủng này lây lan vô cùng nhanh chóng do sự kết hợp của nhiều yếu tố, đầu tiên là những đột biến giúp virus bám dính vào tế bào người dễ dàng hơn.
"Thứ hai là tình trạng được gọi là né tránh miễn dịch. Điều này đồng nghĩa với mọi người vẫn có thể nhiễm virus ngay cả khi từng nhiễm hoặc đã tiêm chủng. Lý do khác là chúng tôi đang chứng kiến sự sao chép của Omicron ở đường hô hấp trên, khác với Delta và những biến chủng khác cũng như chủng gốc vốn nhân rộng ở đường hô hấp dưới, trong phổi", Van Kerkhove cho hay.
Tuy nhiên, ngoài các yếu tố này, chuyên gia WHO còn chỉ ra rằng Omicron đang truyễn nhiễm mạnh mẽ trong bối cảnh người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn, dành thêm thời gian ở trong nhà do mùa đông ở Bắc Bán cầu, đồng thời không tuân thủ những biện pháp chống dịch như giữ khoảng cách.
WHO tuần trước ghi nhận kỷ lục gần 9,5 triệu ca nhiễm nCoV mới, tăng 71% so với tuần trước đó. "Điều công chúng cần quan tâm là giảm tiếp xúc với virus. Chúng tôi muốn mọi người hiểu và cảm thấy bản thân nắm giữ một số quyền kiểm soát đối với tình hình lây nhiễm", Van Kerkhove cho hay.
Biến chủng Omicron lần đầu được phát hiện tại miền nam châu Phi hồi tháng 11/2021, thuộc danh sách biến chủng đáng lo ngại của WHO. Dù còn nhiều thông tin chi tiết về Omicron chưa được làm rõ, giới khoa học nhận định biến chủng này lây lan dễ hơn các chủng nCoV khác, nhưng dường như gây bệnh nhẹ hơn. Theo thống kê của AFP dựa trên các số liệu chính thức, số ca tử vong vì Covid-19 trung bình toàn cầu trong tuần qua đã giảm 3% so với tuần trước.
Ánh Ngọc (Theo AFP)