"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là cần lập tức có nguồn oxy, vật tư, thuốc men, trang bị bảo hộ...", tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, nói trong cuộc phỏng vấn hôm 30/4 với Indian Express, đề cập đến tình hình Covid-19 ở Ấn Độ.
"Nhưng một điều cần kíp khác cần làm là ra lệnh phong tỏa toàn quốc", ông nói tiếp. "Không cần phong tỏa suốt 6 tháng, mà chỉ cần lệnh phong tỏa tạm thời để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm".
Ấn Độ đầu năm ngoái áp đặt một trong những lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt nhất thế giới, góp phần làm phẳng đường cong của dịch. Nhưng khi nước này hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ hai với sức tàn phá nặng nề, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa như vậy, do tác động nặng nề mà nó gây ra với đời sống người dân và nền kinh tế.
"Không ai muốn phong tỏa đất nước cả", Fauci nói tiếp. "Nhưng nếu chỉ làm điều đó trong vài tuần, nó có thể tác động rất lớn đến đợt bùng phát này".
Thủ đô New Delhi hôm 19/4 thông báo lệnh phong tỏa một tuần, sau đó gia hạn lệnh này thêm một tuần nữa đến 3/5 để ngăn Covid-19. Tuy nhiên, Arvind Kejriwal, thủ hiến Lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi, hôm nay thông báo trên Twitter rằng khu vực này sẽ kéo dài phong tỏa thêm một tuần.
Bộ Y tế Ấn Độ hôm nay thông báo New Delhi ghi nhận 27.000 ca nhiễm mới và 375 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ con số thực cao gấp nhiều lần, với số ca xét nghiệm cho tỷ lệ dương tính gần 33%.
Hệ thống y tế của thành phố quá tải, hết giường trống, thuốc men và oxy, nghĩa là nhiều người phải chết bên ngoài mà không được điều trị. Nhiều nghĩa địa ở Delhi đã hết chỗ, các lò hỏa thiêu hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, thậm chí phải mở bãi thiêu xác ở bãi rác và khu đỗ xe.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng Covid-19 nghiêm trọng, với gần 212.000 ca tử vong và hơn 19,1 triệu ca nhiễm, bao gồm 7 triệu ca trong tháng 4.
Hôm qua là ngày thứ mười liên tiếp ca nhiễm mới ở Ấn Độ cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với hơn 400.000 trường hợp. Đất nước này trở thành điểm nóng Covid-19 trầm trọng nhất thế giới từ 21/4, khi ca nhiễm hàng ngày vượt 300.000.
Hồng Hạnh (Theo AFP)