"Hệ thống y tế của Delhi đang ở mức đỉnh điểm. Tình hình Covid-19 đang khá nguy cấp. Nếu không áp lệnh phong tỏa ngay bây giờ, chúng ta sẽ đối mặt với thảm họa lớn hơn", Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal hôm nay cho hay. "Lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu từ đêm nay đến 26/4".
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đóng cửa và việc di chuyển quanh thành phố 20 triệu dân chỉ giới hạn ở các dịch vụ thiết yếu.
"Việc phong tỏa không chấm dứt mà chỉ cản đà đại dịch. Chúng tôi sẽ dùng lệnh phong tỏa một tuần này để cải thiện hệ thống chăm sóc y tế", Kejriwal nói, nhấn mạnh rằng hệ thống chăm sóc y tế "đang chịu áp lực nghiêm trọng" và đã "đạt đến giới hạn".
Thành phố cũng đang phải đối mặt tình trạng thiếu giường bệnh, nguồn cung cấp oxy và các loại thuốc điều trị Covid-19 chủ chốt như Remdesivir, Kejriwal nói thêm.
Biện pháp hạn chế tương tự cũng được áp dụng ở các khu vực khác của Ấn Độ, gồm bang phía tây Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, và bang phía nam Tamil Nadu.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 15 triệu ca nhiễm. Quốc gia rộng lớn với 1,3 tỷ dân hôm nay ghi nhận thêm 273.810 ca Covid-19, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp ca nhiễm mới vượt 200.000.
Ca nhiễm hàng ngày ở Ấn Độ hiện cao gấp ba lần Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới. Các bác sĩ Ấn Độ cho biết họ rất lo lắng về các ca nghiêm trọng là người trẻ tuổi.
Thủ đô New Delhi, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ấn Độ, hôm 18/4 báo cáo 25.500 ca nhiễm mới. "Số ca nhiễm đang tăng rất nhanh. Chỉ còn 100 giường bệnh. Oxy cũng đang thiếu", Thủ hiến Kejriwal nói.
Chính phủ Ấn Độ thông báo các bệnh viện dành cho cán bộ hoặc doanh nghiệp nhà nước sẽ được chuyển đổi thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19, trang bị các phương tiện chăm sóc đặc biệt như máy thở, oxy, phòng thí nghiệm, nhân viên y tế. Chính quyền New Delhi cũng bổ sung thêm giường bệnh tại một số trường học và khu liên hợp thể thao.
Trong khi đó, ngành đường sắt sẽ mở một số chuyến tàu đặc biệt, vận chuyển bình oxy tới những bang đang thiếu.
Bất chấp ca nhiễm tăng nhanh, các chính trị gia vẫn tiếp tục tổ chức mít tinh lớn trên khắp đất nước để vận động bầu cử cấp bang. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng hứng chỉ trích ngày càng nhiều về cách ứng phó sóng Covid-19 thứ hai khi vẫn cho phép tổ chức lễ hội tôn giáo và vận động bầu cử với hàng nghìn người tham dự.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)