Hiệp hội Di truyền học SARS-CoV-2 của Ấn Độ, hay INSACOG, là một nhóm cố vấn khoa học do chính phủ thành lập tháng 12 năm ngoái nhằm phát hiện các biến thể nCoV có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng. INSACOG tập hợp 10 phòng thí nghiệm quốc gia có khả năng nghiên cứu các biến thể của virus.
Các nhà nghiên cứu của INSACOG lần đầu phát hiện B.1.617, hiện được gọi là biến thể virus ở Ấn Độ, vào đầu tháng 2, Ajay Parida, giám đốc Viện Khoa học Đời sống của nhà nước và là thành viên INSACOG, cho hay.
INSACOG đã chia sẻ phát hiện với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) của Bộ Y tế trước ngày 10/3, cảnh báo ca nhiễm có thể nhanh chóng gia tăng ở các vùng của đất nước, giám đốc giấu tên của một trung tâm nghiên cứu miền bắc Ấn Độ hôm nay cho hay. Kết quả nghiên cứu sau đó được chuyển cho Bộ Y tế. Bộ Y tế hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Cùng thời gian đó, INSACOG bắt đầu chuẩn bị dự thảo thông cáo truyền thông cho Bộ Y tế, trong đó nêu rõ biến thể mới có hai đột biến đáng kể đối với phần virus bám vào tế bào người và chiếm 15%-20% mẫu bệnh phẩm từ Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dự thảo nói rằng các đột biến, được gọi là E484Q và L452R, là "mối lo ngại lớn". Các biến thể có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào người và chống lại phản ứng miễn dịch của một người.
Bộ Y tế công khai các phát hiện vào 24/3, nhưng không bao gồm cụm từ "mối lo ngại lớn". Tuyên bố chỉ nói rằng có nhiều biến thể hơn và cần tăng cường các biện pháp đã được tiến hành, gồm xét nghiệm và cách ly. Xét nghiệm kể từ đó tăng gần gấp đôi, lên 1,9 triệu/ngày.
Khi được hỏi tại sao chính phủ không phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các phát hiện, như hạn chế tụ tập đông người, Shahid Jameel, chủ tịch nhóm cố vấn khoa học của INSACOG, cho biết ông lo ngại rằng giới chức không chú ý đến bằng chứng khi hoạch định chính sách .
"Chính sách phải dựa trên bằng chứng, không phải ngược lại", ông nói. "Tôi lo rằng khoa học đã không được tính đến khi thúc đẩy chính sách. Nhưng tôi biết quyền hạn của mình dừng lại ở đâu. Với tư cách nhà khoa học, chúng tôi cung cấp bằng chứng, việc hoạch định chính sách là của chính phủ".
Bất chấp cảnh báo, chính phủ không tìm cách áp đặt hạn chế để ngăn chặn đợt bùng phát lớn. Hàng triệu người không đeo khẩu trang tham dự các lễ hội tôn giáo, các cuộc vận động chính trị của Thủ tướng Narendra Modi, đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền và các chính trị gia đối lập. Hàng chục nghìn nông dân tiếp tục cắm lều ở ngoại ô New Delhi để phản đối chính sách nông nghiệp của Thủ tướng.
Giám đốc giấu tên cho biết cảnh báo đã được chuyển đến Bộ trưởng Nội các Rajiv Gauba, người báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Hiện chưa rõ cảnh báo của INSACOG có được chuyển cho chính Modi hay không.
Văn phòng của Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Gauba đều chưa bình luận về thông tin trên.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng Covid-19 nghiêm trọng hơn nhiều so với lần đầu tiên vào năm ngoái, mà một số nhà khoa học cho rằng có thể do biến thể mới và một biến thể khác lần đầu được phát hiện ở Anh.
Đợt bùng phát này là cuộc khủng hoảng lớn nhất của Ấn Độ kể từ khi Modi nhậm chức năm 2014. Hiện chưa rõ việc xử lý đại dịch có thể ảnh hưởng thế nào đến Modi hoặc đảng của ông về mặt chính trị. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024. Các cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất phần lớn đã được hoàn tất trước khi quy mô đợt gia tăng ca nhiễm trở nên rõ ràng .
Một số nhà khoa học nói rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về giới lãnh đạo chính trị. "Không có lý do gì để đổ lỗi cho chính phủ", Saumitra Das, giám đốc Viện Gene Y Sinh Quốc gia, thuộc INSACOG, nói.
Giám đốc NCDC Sujeet Kumar Singh gần đây nói rằng nên có các biện pháp phong tỏa chặt chẽ vào đầu tháng 4. "Theo chúng tôi, thời gian chính xác cần áp lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn là 15 ngày trước", Singh nói trong cuộc họp ngày 19/4, song không đề cập liệu ông có cảnh báo trực tiếp với chính phủ về sự cần thiết phải hành động vào thời điểm đó.
"Người ta nhấn mạnh rằng trừ khi các biện pháp quyết liệt được thực hiện ngay bây giờ, sẽ là quá muộn để ngăn chặn tỷ lệ tử vong mà chúng ta sẽ thấy", Singh nói, đề cập cuộc họp ngày 18/4. Ông không xác định quan chức chính phủ nào đã tham gia cuộc họp.
Một số quan chức chính phủ trong cuộc họp lo rằng các thành phố trung bình có thể gặp vấn đề về pháp lý và trật tự khi nguồn cung cấp y tế thiết yếu như oxy cạn kiệt, một kịch bản đã bắt đầu xảy ra ở nhiều vùng của Ấn Độ.
Tuần trước, nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ, gồm 21 chuyên gia và quan chức do VK Paul, cố vấn Covid-19 hàng đầu của Modi, chủ trì đã bày tỏ nhu cầu hành động khẩn cấp. Cuộc thảo luận ngày 15/4 của nhóm "nhất trí rằng tình hình nghiêm trọng và chúng ta không nên chần chừ trong việc áp đặt lệnh phong tỏa".
Paul đã có mặt tại cuộc thảo luận. Hiện chưa rõ Paul có chuyển tiếp kết luận của nhóm cho Modi hay không.
Hai ngày sau cảnh báo ngày 18/4 của Singh đối với quan chức chính phủ, Modi phát biểu trước toàn quốc, phản đối lệnh phong tỏa. Ông cho biết phong tỏa nên là biện pháp cuối cùng để chống dịch. Cách đây một năm, Ấn Độ áp lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hai tháng, khiến hàng triệu người mất việc làm và tàn phá nền kinh tế.
Chính quyền các bang của Ấn Độ có quyền hạn rộng hơn trong việc thiết lập chính sách y tế cho các khu vực của họ, và một số đã hành động độc lập để cố gắng kiểm soát virus lây lan.
Maharashtra, bang đông dân thứ hai của đất nước, đã áp đặt các hạn chế cứng rắn như đóng cửa văn phòng và cửa hàng vào đầu tháng 4 do các bệnh viện hết giường, oxy và thuốc. Bang cũng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn vào 14/4.
Bang Punjab, tâm điểm các cuộc biểu tình của nông dân, áp lệnh cấm đi lại từ 23/3. Tuy nhiên, hàng nghìn nông dân vẫn ở lại các trại biểu tình ở ngoại ô Delhi, nhiều người di chuyển qua lại giữa hai nơi trước khi lệnh cấm bắt đầu.
"Đó là một quả bom hẹn giờ", Agrawal, giám đốc Viện Gene và Sinh học tích hợp, nơi nghiên cứu một số mẫu bệnh phẩm từ Punjab, cho biết. "Đó là vấn đề của đợt bùng phát, và tụ tập công cộng là vấn đề lớn trong thời đại dịch. B.1.1.7 là biến thể thực sự tồi tệ về khả năng lây lan".
"Chúng ta đang ở trong tình huống rất nghiêm trọng. Mọi người lắng nghe các chính trị gia hơn các nhà khoa học", Shanta Dutta, một nhà khoa học nghiên cứu y tế tại Viện Quốc gia về Dịch tả và Bệnh đường ruột, cho biết.
Huyền Lê (Theo Reuters)