Khi bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu, một làn sóng thông tin sai lệch đã xuất hiện trên mạng xã hội và kịch bản này được đánh giá là tương tự năm 2016. Tuy nhiên, các nền tảng đã rút ra bài học cách đây bốn năm và có các biện pháp xử lý tốt hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, YouTube đã xử lý thách thức có từ năm 2016 vào năm 2020 như thế nào.
Cách đây bốn năm, mạng xã hội được cho là một trong những nguyên nhân giúp Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Kết quả này cũng là yếu tố đánh giá lại tác động của các nền tảng công nghệ đối với dư luận, thúc đẩy các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên toàn thế giới, định hình lại chính sách và nỗ lực kiểm duyệt nội dung.
Có hai vấn đề lớn xuất hiện ngay sau năm 2016. Đầu tiên là tin giả - những câu chuyện sai lệch được xuất bản bởi những người hoạt động chính trị hoặc có mục đích chính trị - lấn át Facebook. Những câu chuyện này thường được "thêu dệt" để gây chú ý hơn so với những tin tức chính thống, qua đó tạo ra hàng triệu tương tác trong suốt chiến dịch tranh cử của hai ứng viên - khi đó là Donald Trump và Hillary Clinton. Một nghiên cứu sau đó cho thấy tin giả có thể không thay đổi nhiều về phiếu bầu, nhưng nó khiến sự phân cực ở Mỹ diễn ra nhanh hơn.
News Feed - trung tâm hiển thị nội dung của người dùng Facebook - trong một thời gian dài là "ngôi nhà" cho những trò lừa bịp và thư rác. Với thuật toán hiển thị các nội dung nhiều tương tác khi đó, không ít người đã tạo các nội dung thu hút mang tính định hướng chính trị, hoặc các liên kết dẫn đến nội dung này.
Tuy nhiên, trong 2020, News Feed đã có rất nhiều thay đổi. Facebook giờ đây ưu tiên hiển thị các bài đăng từ bạn bè nhiều hơn, hạn chế chia sẻ liên kết, cũng như thêm nhãn cảnh báo vào các câu chuyện chưa được xác thực hoặc gây tranh cãi.
News Feed giờ đây không còn "hiếu khách" với những người đăng nội dung "giật gân", gây chia rẽ hoặc xung đột đảng phái. Năm 2020, tin giả vẫn xuất hiện, nhưng nó không còn tác động quá lớn vào quyết định bầu cử như năm 2016.
Theo NPR, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, thông tin sai lệch được lan truyền nhiều hơn qua cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản và email hơn là qua mạng xã hội. Điều đó cho thấy, kẻ xấu ngày càng thấy Facebook và Twitter giờ là nơi đắt đỏ hoặc tốn nhiều thời gian để phát tán các trò lừa bịp, trong khi hiệu quả mang lại hạn chế hơn những năm trước.
Đó thực sự là tin tốt. Nhưng tin xấu là Facebook vẫn chưa phải là một môi trường có thông tin lành mạnh. Theo ghi nhận của nhà báo Kevin Roose của New York Times, những câu chuyện "dụ dỗ" người dùng mang tính bảo thủ vẫn chiếm ưu thế trên Facebook trong những ngày đầu bầu cử. Facebook lập luận rằng, những tương tác đó không phản ánh chính xác những gì mọi người nhìn thấy trên News Feed, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào thể hiện điều đó. "Liệu những tin tức phổ biến trên Facebook có xu hướng đảng phái hay không? Về cơ bản, mọi thứ vẫn là dấu chấm hỏi", Roose nói.
Vấn đề lớn thứ hai xuất hiện trên Facebook năm 2016 là sự can thiệp của nước ngoài vào nền tảng này. Theo một số nguồn tin, một tổ chức có tên "Cơ quan nghiên cứu Internet" (IRA) được cho là có liên hệ mật thiết với chính phủ Nga đã tìm cách gieo rắc sự chia rẽ khi bầu cử Tổng thống Mỹ cách đây bốn năm, bằng cách sử dụng các tài khoản giả mạo để quảng bá việc một số bang của Mỹ sắp ly khai, nạn phân biệt chủng tộc hay lan truyền tin giả về biểu tình. Đây được xem là một phần trong chiến dịch lớn hơn của Điện Kremlin nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử.
Sau thời điểm này, Facebook đã cố gắng khắc phục bằng cách tuyển dụng các nhóm tập trung vào mục tiêu gọi là "tính toàn vẹn của nền tảng". Tính đến cuối 2018, nhóm này đã tăng lên hơn 30.000 người, gồm các nhân viên kiểm duyệt toàn thời gian của Facebook và thuê từ công ty bên thứ ba. Trong số này, có cả những cựu nhân viên của cơ quan tình báo Mỹ giúp sức.
Kết quả, Facebook đã hạn chế rất nhiều nội dung sai sự thật từ bên ngoài. Đến tháng 9, công ty cho biết đã gỡ bỏ hàng chục chiến dịch tung tin giả mới từ IRA. Một lần nữa, đây là tin tốt.
Thế nhưng đến 2020, các hoạt động từ nước ngoài không còn ảnh hưởng nhiều đến người Mỹ, thay vào đó là các vấn đề trong nước. Khi cuộc bầu cử đang diễn ra và chưa có kết quả, Tổng thống Trump liên tục đăng hàng loạt thông tin gây "nhiễu", chẳng hạn ông yêu cầu việc kiểm phiếu phải dừng lại, hay khẳng định một cách vô căn cứ rằng ông là nạn nhân của gian lận.
Clint Watts, một cựu đặc vụ FBI chuyên theo dõi thông tin sai lệch của nước ngoài, nói với NBC: "Những gì mà Tổng thống nói về Nga, Iran hay Trung Quốc giờ đây có thể nói là hoang đường. Chúng tôi không thể nói rằng lần này Nga, Iran hay Trung Quốc can thiệp đáng kể bào bầu cử nữa. Lần này, họ cũng không viết tin giả, bởi chúng ta đã tự tạo rất nhiều tin giả cho riêng mình".
Facebook, Twitter và cả YouTube đang chống chọi vấn đề tin giả và các cuộc chống phá có mục đích từ nước ngoài, nhưng tần suất và quy mô không như 2016. Giờ đây, vấn đề chính là họ cần phải đối phó với những thông tin đưa ra từ lãnh đạo chính trị hoặc đảng phái trong nước.
Gần đây Twitter và Facebook liên tục dán nhãn cảnh báo những nội dung do Trump đăng tải. YouTube kiểm soát ít hơn. "Thông điệp sai lệch của Trump lan rộng là một chiến lược chính trị hiệu quả", một chuyên gia nhận xét. "Nếu bạn cứ nói dối liên tục và nó được hỗ trợ bởi một mạng lưới truyền thông nào đó, bạn vẫn được một lượng lớn người theo dõi".
Năm 2020, nạn tin giả và các hoạt động nước ngoài không còn tác động quá nhiều đến bầu cử Mỹ. Tuy vậy, thông tin sai lệch từ các đảng phái và chính trị gia dường như trở thành vấn đề lớn mà những mạng xã hội như Facebook và Twitter phải "căng mình" giải quyết. Về mặt này, 2016 và 2020 không khác nhau nhiều.
Bảo Lâm (theo The Verge)