"Chào mừng đến với Stop the Steal" - đây là bài đăng đầu tiên hôm 4/11 của một trong những hội nhóm phát triển nhanh nhất trong lịch sử Facebook. Bài viết ban đầu có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng một giờ sau, quản trị viên bắt đầu đăng đoạn video dài một phút cho thấy mục đích thật sự của nhóm.
Trong đoạn video "nhiễu hạt", một đám đông đứng ngoài điểm bỏ phiếu ở Detroit, hò hét và hô vang khẩu hiệu "dừng đếm". Ngay lập tức, video thu hút gần 2.000 lượt chia sẻ. Bình luận "Biden đang đánh cắp phiếu bầu" và "điều này không công bằng" tràn ngập dưới bài đăng.
Theo New York Times, tốc độ lan truyền của video trên đã biến "Stop the Steal" (Ngăn chặn hành động ăn cắp) thành một trong những nhóm phát triển nhanh nhất trong lịch sử Facebook. Sáng 5/11, sau chưa đầy 22 giờ, nhóm này đã thu hút hơn 320.000 thành viên. Trung bình cứ 10 giây, nhóm lại có thêm 100 thành viên mới.
"Siêu group" này được thành lập bởi tổ chức phi lợi nhuận "Women for American First" (Phụ nữ vì nước Mỹ trên hết) do Kremer, 30 tuổi, làm quản trị. "Tôi lập nhóm sau khi nói chuyện với các nhà hoạt động phe bảo thủ và thấy các bài đăng trên mạng xã hội về hành vi gian lận cử tri", Kremer nói. Mục đích của cô là giúp tập trung mọi người trên khắp nước Mỹ để cùng thảo luận về các cuộc biểu tình nhằm ngăn chặn những người đang cố gắng "đánh cắp cuộc bầu cử".
Kremer cho biết có hàng trăm người tham gia nhóm trong giờ đầu tiên. Mọi người bắt đầu chia sẻ video và hình ảnh ở Detroit. Ngay lập tức, chúng lan rộng ra nhiều hội nhóm khác trên Facebook. "Nó như tia chớp trong một cái chai. Nhóm phát triển quá nhanh, chúng tôi đã phải vật lộn để duyệt các bài đăng đang chờ", Kremer nói.
Nhiều nội dung trong nhóm "Stop the Steal" nói về những câu chuyện thiếu kiểm chứng liên quan đến gian lận cử tri, hoặc những người ủng hộ Trump bị đe doạ. Một bài đăng còn khẳng định các nhân viên kiểm phiếu đang đeo khẩu trang mang biểu tượng chiến dịch tranh cử của Biden. Trong khi bài đăng khác nói những lá phiếu ủng hộ Trump đã bị lỗi, không thể đọc được bằng máy.
Nhiều bài đăng, video, hình ảnh sau đó được chứng minh là sai. Một số bức ảnh đã được chỉnh sửa để thao túng dư luận về thông tin không đúng liên quan đến bầu cử. Facebook đã xoá hoặc gắn nhãn một số bài đăng, tuy nhiên, tốc độ "xuất bản" của nhóm này luôn nhanh hơn đội kiểm duyệt của mạng xã hội. Nhiều bài viết thậm chí kêu gọi bạo lực.
Theo dữ liệu từ CrowdTangle, công cụ phân tích mạng xã hội thuộc sở hữu của Facebook, số thành viên của nhóm đã tăng vọt vào sáng 5/11. Trung bình một phút có 36 bài đăng. Thời điểm này, nhiều nhà hoạt động ủng hộ Trump bắt đầu lên các mạng xã hội khác kêu gọi mọi người tham gia nhóm "Stop the Steal". Các thông điệp được chia sẻ hàng nghìn lần, kêu gọi tập hợp mọi người trong nhóm Facebook và hành động trong các cuộc biểu tình tại địa phương.
Các động thái của "siêu group" lập tức được báo cáo cho ban điều hành của Facebook. Họ cũng liên tục nhận được cuộc gọi từ phóng viên và người dùng về sự bùng nổ của "Stop the Steal". Sáng 5/11, một cuộc họp giữa các giám đốc điều hành được tiến hành để quyết định có nên xóa nhóm này không. 14h cùng ngày, nhóm "Stop the Steal" bị xoá khỏi Facebook sau gần 48 giờ thành lập với khoảng 365.000 thành viên.
Tom Reynolds, phát ngôn viên của Facebook, nói hành động của mạng xã hội này là phù hợp với quy định được áp dụng trong thời điểm gia tăng căng thẳng, nhằm ngăn chặn một nhóm ảo phát động các sự kiện ngoài đời thật. "Chúng tôi đã chứng kiến những lời kêu gọi bạo lực đáng lo ngại từ một số thành viên trong nhóm", Reynolds nói.
Kremer, người thành lập nhóm "Stop the Steal" sau đó đã lên Twitter phản đối về hành động của Facebook và muốn khiếu kiện để lấy lại nhóm. "Facebook có những lựa chọn khác. Họ đã gắn cờ các bài đăng và chúng tôi có thể trao đổi cùng họ. Nhưng đây là những gì Facebook làm, họ kiểm duyệt", Kremer nói.
Mặc dù bị xoá sổ, "siêu group" này đã kịp tổ chức các cuộc biểu tình tại hàng chục thành phố. Theo New York Times, trong vòng đời ngắn ngủi của mình, nhóm đã trở thành trung tâm của các tin đồn chưa kiểm chứng liên quan đến bầu cử.
Trên Facebook, ngay khi nhóm "Stop the Steal" đầu tiên bị xoá bỏ, hàng loạt nhóm khác đã được thành lập, có nhóm lên tới 10.000 thành viên.