Có hai điều liên quan đến các công ty Internet đã được đề cập trong suốt thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ. Đầu tiên, những công ty như Google, Facebook đã thực sự chấp nhận vai trò là "người gác cổng" để cung cấp thông tin chính xác đến mọi người. Thứ hai, sẽ có rất nhiều "người gác cổng" khác thực tế vẫn đang nắm trong tay quyền lực ngầm nhưng chưa được biết tới.
Trước cuộc bầu cử, không ít nền tảng Internet cảnh báo rằng sẽ có ứng viên Tổng thống tuyên bố chiến thắng sớm, dù quá trình kiểm phiếu đến nay vẫn chưa hoàn tất. Điều đó thực sự đã xảy ra.
Những giờ đầu tiên của ngày 4/11, Trump lên Twitter và Facebook đăng tuyên bố vô căn cứ rằng các phiếu bầu đang bị "đánh cắp", đồng thời tuyên bố đã chiến thắng. Twitter và Facebook nhanh chóng vào cuộc. Twitter đã ẩn nội dung này sau vài phút và gắn thẻ "một phần hoặc toàn bộ nội dung của đoạn tweet gây tranh cãi và có thể gây hiểu lầm về cuộc bầu cử hoặc các quy trình dân sự khác". Facebook đính kèm thông tin cảnh báo rằng cuộc bầu cử vẫn chưa có kết quả cuối cùng, đồng thời dẫn liên kết đến trang bầu cử của mạng xã hội.
Các công ty truyền thông xã hội chịu áp lực chống lại thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ thời gian qua. Twitter sẽ coi các quan chức bầu cử bang và các hãng thông tấn lớn như ABC News, AP, CNN và Fox News là nguồn chính thức. Các nền tảng khác cũng cho biết sẽ trích dẫn các nguồn chính thống.
Cách Facebook, Twitter xử lý vấn đề của cuộc bầu cử Tổng thống cho thấy các "ông lớn" Internet của Mỹ đã có sự thay đổi lớn trong những năm qua và có thể trong tương lai. Từ sự miễn cưỡng và thiếu nhất quán, họ đã làm việc đồng thời để kiểm soát và ngăn chặn người dùng Internet tiếp cận những thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm.
Có ý kiến cho rằng từ "kiểm duyệt" được sử dụng cho các công ty Internet nêu trên rất đúng trong bối cảnh hiện tại. Trước đây, kết quả hiển thị trên các nền tảng truyền thông xã hội sẽ dựa trên thói quen của người dùng. Khi truy cập một nội dung với tần suất càng cao, nó càng được ưu tiên xuất hiện ở trên cùng mỗi trang.
Nhưng giờ đây, thuật toán của các nền tảng dường như đã thay đổi. Quyền lực của họ quyết định kết quả nào xuất hiện trên cùng. Internet mang lại cho mọi người tiếng nói, nhưng các công ty Internet quyết định tiếng nói nào được lắng nghe và ưu tiên.
Những thay đổi vô hình này có thể đã diễn ra từ trước một cách âm thầm, nhưng giờ đây, nó lộ diện nhiều hơn. Chẳng hạn, Twitter đã thực hiện một số can thiệp sâu đối với tài khoản của Tổng thống Trump. Họ đã xóa bỏ nhiều nội dung gây hiểu lầm về virus corona. Một số chuyên gia đánh giá, đây có thể là giải pháp tình huống của Twitter, nhưng về lâu dài các công ty Internet sẽ phải làm điều tương tự.
Facebook, Instagram, YouTube, Google, TikTok, Twitter... đang là trung gian về thông tin, cung cấp cho mọi người biết, hiểu về bạn bè, cộng đồng và thế giới xung quanh. "Điều này thực sự hữu ích, nhưng cũng cực kỳ đáng sợ", một chuyên gia nhận xét. "Mọi người chưa thể hiểu hết cách thức hoạt động của các nền tảng mang tính trung gian này, nhưng vẫn đặt niềm tin vào nó. Sẽ có những thứ rất vô hình và không ít bí ẩn đang được che dấu". Chỉ Facebook mới biết những bài báo, những nội dung hoặc thông tin nào được xem nhiều nhất trên nền tảng của mình. Điều tương tự cũng xảy ra với Twitter, Google... YouTube có thể âm thầm thay đổi thuật toán nếu muốn đưa một video cụ thể nào đó xuất hiện với tần suất cao để được người xem chú ý hơn. Nói cách khác, các công ty Internet giờ đây có thể kiểm soát nội dung theo chủ đích, là "người gác cổng" quyết định người xem sẽ được "phục vụ" nội dung gì.
Sau bầu cử, kịch bản nhiều khả năng xảy ra là lượng tin giả sẽ tràn ngập. Có một thực tế là tâm lý của con người khá thiếu kiên nhẫn trước các thông tin trên Internet. Những nội dung "giật gân", sai sự thật vẫn gây chú ý và lan truyền nhanh hơn là các tin tức chính xác. Và các công ty Internet lại có quá nhiều việc để làm.
Bảo Lâm (theo NYTimes)