Tierra del Mar là một thị trấn nhỏ cách Portland (tiểu bang Oregon) khoảng hai giờ lái xe. Ở đây không có đèn giao thông, không cảnh sát, không có chính quyền. Khách thăm quan tới đây không thể mua một cốc bia, một tách cà phê hay những đồ dùng phổ biến.
Tierra del Mar là nơi gia đình bà Marie Cook sống từ năm 1971 và hài lòng với cuộc sống yên bình tại đây. Theo bà, khu vực này thay đổi rất ít trong 50 năm qua và vẫn giữ được dáng vẻ hoang sơ đặc trưng cho đến cuối năm 2018, khi bà phát hiện mình có "hàng xóm" mới.
Nhìn từ cửa sổ, bà Cook phát hiện những người đàn ông lạ mặt trên những cồn cát ngay trong địa phận nhà của bà. "Tôi hỏi: 'Các anh đang làm gì ở đây?'. Đáp lại, nhóm người kia cho biết họ đang làm về một dự án cáp. Khi đó, tôi cũng thực sự không biết họ đang nói về vấn đề gì", bà kể lại.
Nhóm này chính là đội kỹ sư của Facebook - những người đặt nền móng cho hệ thống cáp quang nối giữa châu Á với các "trang trại" máy chủ rộng lớn của công ty ở Hillsboro và Prineville.
Bà Cook và những cư dân trong thị trấn Tierra del Mar bất đắc dĩ có thêm hàng xóm mới. Nhưng không hề thích vị hàng xóm này. Trong hai năm qua, họ đã kịch liệt phản đối cách Facebook phá hỏng bãi biển mà họ xem là tuyệt đẹp.
Để giải quyết vấn đề, Edge Cable Holdings - một công ty con của Facebook, đơn vị thi hành tuyến cáp - đã mua lại một lô đất bên bờ biển, nơi họ định đặt cáp, với giá 495.000 USD. Sau đó, họ xây hàng rào kiên cố xung quanh. Từ lúc đó, bà Cook và các cư dân luôn nghe tiếng động cơ chạy ầm ầm, phá hỏng không gian yên tĩnh vốn có. Những đám khói đen kịt từ động cơ, tiếng gầm rú của dàn khoan và bụi bặm từ những chiếc xe tải hạng nặng đã biến đổi thị trấn.
"Thật khủng khiếp", bà Cook nói.
Họ gửi đơn kiện tới chính quyền, kiến nghị rằng Facebook đã tự ý "lẻn" vào bờ biển Oregon, xây dựng và làm ô nhiễm không khí. "Có hàng trăm dặm bờ biển ở Oregon. Vậy mà họ lại đến đây và xây dựng giữa khu dân cư", bà Cook bức xúc.
Cameron La Follette, Giám đốc của Liên minh Bờ biển Oregon - một nhóm vận động bảo vệ môi trường - cho rằng hành động của Facebook đang "ảnh hưởng đến từng inch" của bờ biển Oregon và tương lai là những khu vực khác. Bà cho rằng quá trình công nghiệp hóa đã lan đến đại dương. Các công ty chỉ biết xây dựng mà không suy nghĩ nhiều đến tác hại của chúng với môi trường và những hậu quả khác có thể xảy ra.
Chính quyền tiểu bang Oregon dường như đang bán bờ biển của mình với giá rẻ. "Việc quản lý lỏng lẻo đã khiến các công ty hoạt động ở đây không chú trọng đến lợi ích công cộng. Hậu quả là một mớ hỗn độn được bỏ lại", La Follette chia sẻ.
Sau các giai đoạn xây dựng cáp quang, Facebook đã bỏ lại bờ biển Oregon hàng nghìn mét ống khoan, một mũi khoan hỏng cùng hàng chục nghìn lít dung dịch để khoan dưới đáy biển.
Tại Tierra del Mar, người dân không dùng điện thoại di động. Họ không quan tâm đến cáp quang, Internet hay các terabyte dữ liệu. Họ chỉ muốn được yên. Hành động của Facebook khiến họ trở nên khó chịu.
Tuyến cáp quang đi qua Tierra del Mar có chiều dài 8.000 km, nối giữa Oregon và Nhật Bản. Trong đơn xin phép tiểu bang, Facebook cho biết đây sẽ là "hệ thống cáp quang có tốc độ cực cao", đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về Internet của người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Có ít nhất 7 tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương khác đã cập bờ tại Oregon, nhưng không tuyến nào quy mô lớn như ở Tierra del Mar. Đó là lý do tại sao việc lắp đặt trước đó không bị người dân địa phương phản đối.
Facebook đã tìm cách tiếp cận thị trấn. Tuy nhiên, thay vì tìm đến người dân, họ lại tìm đến một tổ chức có tên Oregon Fishermen's Cable Committee (OFCC). Chính tổ chức này đã giúp Edge Cable Holdings tránh các con đường mà tàu đánh cá cỡ lớn "quét" qua, cũng như làm nhiệm vụ "tuần tra" cho các công ty đặt cáp quang ở Oregon. Công việc này sinh lợi lớn vì có thể giúp một người kiếm 5.000 USD mỗi ngày, và giúp OFCC thu về 154.000 USD vào năm 2017.
Nhưng cư dân của Tierra del Mar lại xem Facebook như một đội quân đang chiếm đóng đất của họ. "Nếu họ đến đây và yêu cầu một cuộc họp cộng đồng, có lẽ mọi thứ đã không tiêu cực như hiện tại", bà Cook nói.
Phía Facebook phủ nhận các vấn đề liên quan đến thị trấn Tierra del Mar. Theo phát ngôn viên của mạng xã hội này, "mọi vấn đề liên quan đến tiếng ồn và tác động môi trường đã được giải quyết".
Không được người dân đồng ý, song Facebook vẫn có được điều mình muốn: Có đất để xây cáp quang. Công ty đã tích cực "làm thân" với chính quyền. Một hồ sơ cho thấy, họ đã chi 294.000 USD vận động hành lang cho các quan chức ở Oregon kể từ năm 2016, nhiều hơn Apple và Microsoft, chỉ ít hơn Amazon.
"Tôi hy vọng Facebook sẽ làm được những điều tốt cho Oregon", Ngoại trưởng Bev Clarno nói. Bà cũng là người nhấn nút đồng ý cho phép Facebook xây dựng cáp quang biển tại Tierra del Mar.
Hạ nghị sĩ bang Oregon, David Gomberg, ban đầu cũng ủng hộ Facebook. Ông này đã thuyết phục người dân Tierra del Mar rằng sự xuất hiện của Facebook sẽ là đòn bẩy kinh tế cho vùng đất. Tuy nhiên, các đề nghị đều bị khước từ. "Facebook đang cố gắng phục vụ người dân bằng những chiếc bánh ngon, nhưng chẳng ai ăn nó cả", Gomberg thừa nhận.
Facebook cũng từng "mua chuộc" người dân Tierra del Mar. Tháng 2 năm nay, công ty đã đưa ra cái gọi là "đề xuất hòa bình", trong đó, họ trả cho mỗi người dân 15.000 USD và thêm 15.000 USD nữa cho một tổ chức cộng đồng hoạt động tại thị trấn với điều kiện người dân không phản đối việc xây dựng cáp quang. Những người đại diện của thị trấn đã nói không với đề nghị này.
Bất chấp sự phản đối, công ty con của Facebook vẫn triển khai những mũi khoan đầu tiên hôm 9/3. Ước tính, sẽ có khoảng 77.000 mét khối vật liệu sẽ được đưa lên khỏi các lỗ khoan này đủ để lấp đầy 23 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Việc khoan cắt bờ biển đã gây hại cho thị trấn. Các rung chấn trong quá trình khoan đã khiến nhiều ống nước bị vỡ.
Người dân Tierra del Mar cho biết họ khó chịu với Facebook, nhưng buồn hơn khi các quan chức tiểu bang và địa phương không đứng về phía họ. "Chính quyền đã không lắng nghe người dân, hoặc ít nhất là xem xét những tác động đến môi trường. Tôi từng nghĩ rằng họ sẽ đứng về phía chúng tôi, nhưng điều đó không xảy ra", Candace Churchley, cư dân sống tại thị trấn từ năm 1982, nói.
Cook cho biết, bà không hối tiếc khi thách thức Facebook. Bà thừa nhận vẫn giữ liên lạc với các cháu mình qua mạng xã hội này, nhưng nói sẽ sớm từ bỏ nó. "Chống lại Facebook có vẻ là việc làm khá ngớ ngẩn, ít nhất là khi xét trên quy mô của họ. Nhưng đó là điều đúng đắn nên làm. Họ đã bỏ rất nhiều rác ngoài đại dương".
Bảo Lâm (theo Wweek)