Theo đại diện Facebook, dự án cáp quang mới được đặt tên là 2Africa (tên cũ là Simba), hợp tác với nhà mạng gồm China Mobile của Trung Quốc, MTN của Nam Phi, Orange và Vodafone của Pháp cũng như các nhà khai thác viễn thông trên khắp châu Phi, nơi có tuyến cáp đi qua. Hệ thống cáp ngầm sẽ do Nokia cung cấp, Alcatel xây dựng.
Với độ dài 37.000 km, Facebook tuyên bố đây là một trong những tuyến cáp quang biển dài dất thế giới - "gần tương đương với chu vi của Trái Đất".
2Africa sẽ sử dụng cáp bằng nhôm thay vì sợi đồng nhằm tăng dung lượng mạng. Sau khi hoàn tất, tuyến cáp mới sẽ cho tốc độ 150 Terabit mỗi giây, cung cấp gần gấp ba lần tổng dung lượng mạng của tất cả tuyến cáp ngầm phục vụ châu Phi hiện nay.
Kevin Salvadori, Giám đốc mảng đầu tư Internet của Facebook, cho biết công ty đã bắt đầu thảo luận với các đối tác về 2Africa từ năm 2018. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng vào 2023 và hoặc đầu 2024 và đưa vào sử dụng ngay sau đó.
Đại diện mạng xã hội từ chối đề cập đến số tiền đầu tư cho dự án. Michael Ruddy, Giám đốc nghiên cứu quốc tế thuộc hãng nghiên cứu thị trường Terabit Consulting, ước tính hệ thống này có chi phí ít nhất 800 triệu USD.
Các công ty thuộc thung lũng Silicon (Mỹ) từ lâu xem châu Phi là khu vực tiềm năng để phát triển Internet và muốn tăng cường sự hiện diện tại đây càng nhiều càng tốt. Trước đó, Facebook từng có tham vọng phủ sóng Internet đến các vùng xa xôi trên toàn cầu, trong đó có châu Phi bằng Aquila - dự án phát Internet thông qua máy bay không người lái dùng năng lượng mặt trời, nhưng bị ngừng từ 2018.
Không chỉ Facebook, Google cũng đang thực hiện một dự án cáp quang khác có tên Equino nối châu Phi với châu Âu. "Gã khổng lồ tìm kiếm" đang có tham vọng phủ sóng 4G bằng Project Loon - dùng khinh khí cầu để phát sóng Internet tới vùng nông thôn. Hiện chương trình thí điểm ở một số quốc gia châu Phi, mới nhất là Mozambique.
Theo WSJ, châu Phi hiện có hơn 1,2 tỷ dân sinh sống. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó không được tiếp cận Internet hoặc chỉ được dùng mạng thông qua các thiết bị 2G.
Bảo Lâm