Tháng trước, Google tiết lộ kế hoạch phát triển tuyến cáp quang biển mới dài gần 5.000 km dưới Đại Tây Dương, nối New York với Anh. Trong đó, một nhánh kéo đến thành phố cảng Bilbao (Tây Ban Nha). Tuyến cáp mới được Google gọi là Grace Hopper - tên một lập trình viên người Mỹ, người đã chế tạo thành công máy tính Harvard Mark I trong Thế chiến thứ hai - với kỳ vọng giúp người dân kết nối Internet với tốc độ cao hơn.
"Có một nhận thức sai lầm nhưng khá phổ biến rằng sóng vô tuyến và vệ tinh là tất cả, nhưng đó chỉ là thành phần cuối cùng trong kết nối Internet", Jayne Stowell, người đứng đầu bộ phận cáp biển của Google, cho biết. Kết nối thực sự của Internet là những sợi cáp quang dưới lòng đất, trên mặt đất hoặc dưới đại dương".
Dự kiến, Grace Hopper sẽ hoàn thành năm 2022 và là tuyến cáp xuyên biển mới nhất trong danh sách của Google, bên cạnh tuyến Marie Curie - kết nối Los Angeles với Valparaiso (Chile); Dunant - kết nối Mỹ với Pháp.
Các công ty khác ở Thung lũng Silicon, như Facebook, Microsoft..., cũng đang đổ hàng tỷ USD vào tham vọng kiểm soát các tuyến cáp quang toàn cầu. Nhiều công ty đã có trong tay hệ thống cáp quang xuyên đáy biển với tốc độ nhanh như ánh sáng.
Facebook đang "để mắt" đến châu Phi. Theo báo cáo của tổ chức GSMA, việc phủ sóng toàn bộ Internet tại lục địa này có thể sinh lợi 51 tỷ USD cho các nhà khai thác viễn thông từ giờ cho đến năm 2025.
Mới đây, Facebook đã triển khai hệ thống cáp quang mới tên 2Africa (tên cũ là Simba). Dự án hợp tác với nhà mạng China Mobile của Trung Quốc, MTN của Nam Phi, Orange và Vodafone của Pháp cùng các nhà khai thác viễn thông trên khắp châu Phi, nơi có tuyến cáp đi qua. Hệ thống cáp ngầm do Nokia cung cấp, Alcatel xây dựng. 2Africa dài 37.000 km. Facebook tuyên bố đây là một trong những tuyến cáp quang biển dài dất thế giới - "gần tương đương chu vi của Trái đất". Hệ thống sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2024.
Bên cạnh đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng hợp tác với Microsoft xây dựng tuyến cáp nối Virginia với Bilbao tên Marea, cho phép truyền 160 Tb/giây. Hệ thống này được đánh giá là hiện đại bậc nhất trong số các tuyến xuyên Đại Tây Dương.
Việc lắp đặt cáp quang biển khá phức tạp. Trước tiên các kỹ sư phải hoàn thành các khảo sát chi tiết, gồm nghiên cứu đại dương mỗi tháng để biết môi trường nơi đặt cáp. Dây cáp phải được giữ chặt bằng lưới, hàn đồng, cuối cùng phủ một lớp nhựa bên ngoài để bảo vệ.
Việc kiểm soát các tuyến cáp nằm trong tay các tập đoàn viễn thông. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch sang các "ông lớn" công nghệ. Theo các chuyên gia, với sự tham gia của các công ty công nghệ lớn, quá trình xây dựng mỗi tuyến cáp có thể giảm 5 năm. Hiện tại, một tuyến cáp lớn mất khoảng 2 năm lắp đặt, thay vì 7 - 8 năm như trước đây.
Tuy vậy, việc các "gã khổng lồ" công nghệ tranh giành quyền kiểm soát tuyến cáp Internet có thể dẫn đễn những lo ngại về an ninh. Hồi tháng 6, một tổ chức có tên Team Telecom đã kêu gọi các quan chức Mỹ không phê duyệt tuyến cáp nối Mỹ với Hong Kong, Đài Loan và Philippines, vì lo ngại chính phủ Trung Quốc đánh cắp dữ liệu. Tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương này được cả Facebook và Google hậu thuẫn, nhưng được xây dựng bởi công ty con của Dr. Peng Media Group - một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc. Chính phủ Mỹ sau đó phải đồng ý.
Các chuyên gia quốc phòng thì lo ngại bất kỳ tuyến cáp nào bị tổn hại cũng gây ra các tác động xấu. Google hiện áp dụng một số biện pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho cáp và dữ liệu người dùng. Ở cấp độ vật lý, công ty có "sự giám sát liên tục" tại các trạm cáp trên bờ biển. Bên cạnh đó, Google cũng mã hóa tất cả dữ liệu truyền từ châu lục này sang châu lục khác.
Các chuyên gia trong ngành viễn thông lại có băn khoăn khác. Họ sợ khi các tuyến cáp quang rơi vào tay công ty công nghệ, nó có thể trở thành trung tâm của cuộc tranh luận về quyền riêng tư kéo dài.
Bảo Lâm (theo Telegraph)