Theo Business Insider, Facebook và Google bắt đầu thoả thuận với các nhà xuất bản trên toàn cầu để trả tiền cho nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ. Đây có thể là tin vui với nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông, nhưng các chuyên gia phân tích lại khuyến cáo các nhà xuất bản nên tỉnh táo.
"Sự tử tế" của Facebook, Google
Trong tháng 1/2020, Facebook đã trả tiền cho các cơ quan báo chí ở Anh khi ra mắt "Tab tin tức". Trước đó, công ty đã thử nghiệm tính năng này ở Mỹ và cũng trả tiền cho các nhà xuất bản tham gia vào dự án. Năm ngoái, Google ký thoả thuận với hai tờ Le Monde và Le Figaro ở Pháp để triển khai "Google News Showcase" - cho phép các đối tác làm nổi bật bản tin của mình và nhận về tiền bản quyền.
Thoạt nhìn, điều này có vẻ công bằng với các nhà xuất bản. Tuy nhiên các nhà phân tích đánh giá, hai công ty này không trả tiền vì sự tử tế. Họ đang phải đối mặt nhiều áp lực mới từ các cơ quan lập pháp và quản lý ở Mỹ, châu Âu cũng như nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Động thái này nhằm xoa dịu các cơ quan hành pháp hơn là vì lợi ích của các nhà xuất bản.
Châu Âu đã thông qua luật bản quyền, yêu cầu chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số với các ấn phẩm với cả những người làm nội dung đơn lẻ chứ không chỉ là các công ty, tổ chức. Ở Australia, chính phủ đã thông qua luật buộc các gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng với các nhà xuất bản về số tiền họ phải trả để hiển thị các đoạn nội dung trong trang web.
Thập kỷ khó khăn của ngành xuất bản điện tử
Theo Business Insider, ngành xuất bản điện tử đã có một thập kỷ khó khăn. Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Internet giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn với số đông khán giả theo cách phi truyền thống. Một bài báo in có thể đến với 10.000 người đăng ký đặt báo. Nhưng nếu nó được đưa lên Internet, lượt xem bài báo có thể cao gấp 10, thậm chí 100 lần. Khi nội dung được chia sẻ rộng khắp, toà soạn vẫn không phải in thêm gấp 10 lần ấn phẩm. Đó là sức mạnh dễ hình dung nhất của Internet.
Điều này cũng mở ra một cơ hội mới. Doanh thu từ quảng cáo có thể cao hơn nhiều so với doanh thu từ việc phát hành, bán báo truyền thống. Khi Internet có thể tiếp cận được đông đảo khán giả, các nhà quảng cáo sẵn sàng trả tiền cho toà soạn. Đó là tin tốt cho các nhà xuất bản. Để thu hút thêm người đọc, họ bắt đầu miễn phí các nội dung cho người dùng. Đây cũng là tin tốt cho người dùng khi có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên thời hoàng kim này của các toà soạn chỉ diễn ra trong một thời gian. 10 năm trở lại đây, khi quảng cáo số được phân bổ ở nhiều nơi hơn trên Internet và các nền tảng như Google, Facebook bắt đầu lớn mạnh, tiền quảng cáo không còn đổ về các nhà xuất bản như trước đây. Hai nền tảng quảng cáo lớn nhất bây giờ là Google, Facebook. Họ đều cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng, sau đó đặt quảng cáo "nhắm mục tiêu". Những người cần quảng cáo sẵn sàng trả giá cao vì họ biết chắc sản phẩm của mình sẽ đến đúng với tệp khách hàng mong muốn.
Trước đây, một số ý kiến cho rằng Google, Facebook đang "chiếm dụng" nội dung của các nhà xuất bản. Điều này không hoàn toàn đúng, "Google Tin tức" không được kiếm tiền, không hiển thị quảng cáo. Ngược lại, hai nền tảng này mang lại cho các toà soạn một lượng lớn người đọc. Họ thậm chí có thể yêu cầu các nhà xuất bản trả cho mình một khoản tiền vì đã mang đến lượng truy cập mới này.
Điều này nghe có vẻ điên rồ nhưng nó chính xác là những gì đang xảy ra. Các nhà xuất bản trực tuyến, đặc biệt là báo chí đang bị "tổn tương". Tuy nhiên, lý do lớn nhất có lẽ đến từ mô hình kinh doanh không còn bền vững. Người dùng Internet bây giờ đã khác rất nhiều 20 năm trước và cũng khác xa 5 năm trước.
"Buộc" Google, Facebook trả tiền là ý tưởng tồi
Theo Business Insider, việc buộc Google, Facebook trả tiền cho các nhà xuất bản để đăng tải lại nội dung là một ý tưởng tồi. Nó không giải quyết tận gốc vấn đề mà các toà soạn, nhà xuất bản đang gặp phải.
Nghiên cứu từ PwC cho thấy, các nhà xuất bản có thể mất 20 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong vòng 3 năm tới. Con số này cao gấp nhiều lần 1 tỷ USD mà Google hứa hẹn. Việc buộc các nền tảng này trả tiền để chia sẻ nội dung không phải một giải pháp mà còn khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Reuters, ở Australia, cứ 100 đồng chi vào quảng cáo trực tuyến, có 53 đồng rơi vào túi Google, 28 đồng "chảy" vào Facebook và 19 đồng còn lại là dành cho các công ty truyền thông. Đây là thực trạng đau buồn mà các nhà xuất bản phải đối mặt. Nhưng tìm cách cân bằng lại nguồn chi tiêu này lại không phải dễ dàng. Quảng cáo không còn là mô hình kinh doanh tốt nhất và duy nhất với các nhà xuất bản.
The New York Times cho biết doanh thu họ có được từ người đăng ký trực tuyến cao hơn so với đăng ký báo in. Trong khi thu nhập từ quảng cáo giảm 30%, doanh thu từ người dùng Internet trả tiền để đọc báo đã tăng 34%.
Các nhà phân tích khuyến cáo, Google và Facebook muốn tìm cách giúp các nhà xuất bản và tăng khả năng tồn tại của báo chí là một điều tốt. Nhưng các nhà xuất bản cũng đừng xem nó là một giải pháp giải quyết triệt để vấn đề. Cách người dùng Internet đánh giá, tìm kiếm và tiêu thụ thông tin là khác nhau vì vậy cũng cần có những mô hình kinh doanh khác để thích ứng.
Khương Nha (theo Bussiness Insider)