Năm 2017, Facebook tuyên bố đang thử nghiệm một phương thức bán quảng cáo trực tuyến mới, đe dọa sự thống trị của Google. Chưa đầy hai năm sau, họ quay ngoắt 180 độ và cho biết đã tham gia một liên minh quảng cáo của Google.
Facebook chưa bao giờ giải thích vì sao họ ngừng dự án. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai bên dần hé lộ qua đơn kiện chống độc quyền của 10 bang tại Mỹ (gồm Arkansas, Indiana, Kentucky, Mississippi, Missouri, Nam Dakota, Bắc Dakota, Utah, Idaho và Texas) đối với Google từ giữa tháng 12/2020.
Theo bản thảo đơn kiện mà New York Times có được, Google đưa ra một thỏa thuận hợp tác "béo bở" với Facebook - đối thủ mạnh nhất của hãng trong mảng quảng cáo kỹ thuật số - với tên mã "Jedi Blue".
Google lập ra liên minh quảng cáo gồm 25 đối tác. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của 6 đối tác trong số đó cho biết thỏa thuận giữa họ và Google không chứa các điều khoản hào phóng như với Facebook. Họ cũng khẳng định không hề biết Facebook nhận được nhiều đặc quyền đến vậy.
Google và Facebook chiếm hơn một nửa thị trường quảng cáo trực tuyến năm 2019. Ngoài việc quảng cáo trên các nền tảng riêng, như trang tìm kiếm Google hay trang chủ Facebook, hai hãng này còn hiển thị quảng cáo trên các website, ứng dụng và chia phần trăm doanh thu.
Theo New York Times, quảng cáo trực tuyến mang lại hàng trăm tỷ USD doanh thu toàn cầu mỗi năm và việc mua bán tự động không gian quảng cáo chiếm hơn 60% trong số đó. Thỏa thuận với Google tạo lợi thế về không gian quảng cáo cho Facebook so với những bên tham gia khác trong liên minh.
Ví dụ, vào khoảnh khắc người dùng nhấp chuột vào một đường link và quảng cáo chuẩn bị được hiển thị, hệ thống sẽ lập tức phân tích xem đó là người dùng web hay di động. Các bên sẽ thầu không gian quảng cáo ở hậu trường và giá thầu chiến thắng sẽ chuyển đến máy chủ quảng cáo. Ở cuộc đua này, tốc độ mang tính quyết định. Theo tài liệu của tòa án, trong thỏa thuận với Google, Facebook có 300 mili giây để đấu thầu quảng cáo. Trong khi đó, giám đốc điều hành tại các công ty đối tác của Google tiết lộ họ chỉ có 160 mili giây hoặc ít hơn để đặt giá thầu.
Bên cạnh đó, Facebook có thể gửi giá thầu trực tiếp tới máy chủ quảng cáo của Google. Nhờ không qua trung gian, Facebook đối mặt với ít cạnh tranh hơn và tiết kiệm hơn, trong khi các đối tác khác thực hiện qua sàn giao dịch sẽ lâu hơn và còn bị tính phí 20%.
Nghiêm trọng hơn, hai bên đã xác định trước rằng Facebook sẽ thắng một tỷ lệ cố định trong các cuộc đấu giá quảng cáo mà họ đặt giá thầu.
"Những người tham gia khác không biết, bất kể họ đặt giá thầu cao thế nào, hai bên đã đồng ý rằng mức độ sẽ giảm xuống có lợi cho Facebook trong một số lần nhất định", bản khiếu nại cho biết.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Google khẳng định Facebook phải đặt giá cao nhất mới thắng một cuộc đấu giá giống những người tham gia khác. Hãng cũng nhấn mạnh Facebook chỉ là một trong nhiều công ty tham gia vào liên minh do Google lập ra.
Christopher Sgro, phát ngôn viên Facebook, tuyên bố: "Bất kỳ ý kiến nào cho rằng thỏa thuận này làm tổn hại đến cạnh tranh là vô căn cứ".
Thỏa thuận bị tiết lộ giữa hai gã khổng lồ làm dấy lên lo ngại về cách các công ty công nghệ lớn hợp tác với nhau để giảm sự cạnh tranh. Những giao dịch kiểu này thường tạo ra hệ quả, gây ảnh hưởng đến cạnh tranh.
Hồi tháng 10/2020, Google cũng bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện với cáo buộc lợi dụng quyền lực, áp đặt sự thống trị của họ trên thị trường. Trong đó, Google được cho là đã chi hàng tỷ USD để ký hợp đồng độc quyền với Apple, đưa Google Search thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone và các thiết bị khác của Apple.
"Các nền tảng công nghệ lớn được cho là đang cạnh tranh mạnh mẽ và chống lại nhau. Nhưng thực ra, theo nhiều cách, họ đang củng cố sức mạnh độc quyền của nhau", Sally Hubbard, cựu trợ lý tổng chưởng lý tại Văn phòng Chống độc quyền New York, đánh giá.