Facebook cuối tháng 9 đã hoàn thành tuyến cáp quang biển dài hơn 13.600 km, kết nối bờ biển Oregon với châu Á qua Thái Bình Dương, trễ hai năm so với dự kiến. Tuy nhiên, thành tựu kỹ thuật này cũng khiến mạng xã hội gây ra nhiều hậu quả.
Năm 2018, Thống đốc bang Oregon, Kate Brown, gửi một lá thư tới những người tham dự tại Hội nghị Viễn thông Thái Bình Dương, trong đó mời các công ty tham gia dự án cáp quang biển. Edge Cable, công ty con của Facebook, đã liên hệ và sau đó được chọn để thực hiện dự án.
Theo giấy phép do Cơ quan quản lý đất đai bang Oregon (ODSL) và quân đội Mỹ xác nhận, dự án có tên Jupiter sẽ kết nối Internet tốc độ cao từ Mỹ đi Nhật Bản và Philippines. Việc khởi công bắt đầu từ tháng 6/2019 và hoàn thành vào tháng 11 cùng năm.
Facebook ban đầu trả gần 500.000 USD để thuê một lô đất bên bờ biển Oregon để phục vụ cho việc xây dựng điểm kết nối cáp quang trên bờ và dưới biển. Các cư dân xung quanh khi đó phản ánh rằng họ luôn nghe tiếng động cơ chạy ầm ầm, phá hỏng không gian yên tĩnh vốn có. Việc khoan cắt ở bờ biển tạo ra rung chấn khiến nhiều ống nước bị vỡ. Cư dân đã gửi nhiều đơn kiện nhưng không được giải quyết.
Không được người dân ủng hộ, song Facebook vẫn tiếp tục xây dựng cáp quang nhờ "làm thân" với chính quyền. Một hồ sơ cho thấy, họ đã chi 294.000 USD vận động hành lang cho các quan chức ở Oregon, nhiều hơn Apple, Microsoft và chỉ ít hơn Amazon.
Đến tháng 4/2020, dự án vẫn đang được tiến hành. Khi đó, một tai nạn khiến đường ống bị đứt, làm cho khoảng 300 mét ống dẫn, mũi khoan và nhiều thiết bị khác nằm lại dưới đáy biển. Sự cố cũng làm cho gần 25 mét khối chất lỏng dùng để khoan cắt đổ ra biển và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Hai tháng sau đó, công ty con Edge Cable mới gửi báo cáo lên ODSL. Đến nay, các vật liệu vẫn chưa được trục vớt, nhưng Facebook chỉ bị phạt 250.000 USD tiền vi phạm.
Hồi tháng 1, một vụ rò rỉ dung dịch khoan khác tiếp tục xảy ra, nhưng ở trên đất liền. Vấn đề liên quan đến trào ngược dung dịch ở lỗ khoan, nhưng các cơ quan chức năng chưa xác định được mức thiệt hại về kết cấu đất hoặc ô nhiễm nguồn nước.
Đến tháng 4, tình trạng sụt lún diễn ra trên đường tuyến cáp quang đi qua, gây ra ít nhất hai hố cát lớn. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, những hố cát này có thể "gây tác động đáng kể" đến cảnh quan, đồng thời khu vực xung quanh có thể bị sụt lún trong tương lai.
Ed Ruttledge, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, đã ghi lại công việc của Facebook qua drone, sau đó đăng ảnh và video lên website cá nhân. Tuy nhiên, Facebook không đồng ý với hành động này và tìm cách ngăn chặn. Theo ông, mạng xã hội dường như muốn ông dừng tung ra những "bí mật" mà công ty đang giấu giếm khi xây dựng cáp quang biển.
Việc Facebook xây dựng các tuyến cáp quang cũng khiến nhiều tổ chức về môi trường lên án. Hai tổ chức phi lợi nhuận là Liên minh Bờ biển Mỹ (CA) và Liên minh Bảo tồn Bờ biển Oregon (OSCC) đã gửi đơn kiến nghị, bày tỏ sự thất vọng vì Facebook để các thiết bị gây ô nhiễm bị chôn vùi dưới bờ biển.
"Facebook đã không phải chịu trách nhiệm giải trình cho các sai lầm của dự án", Phillip Johnson, đứng đầu OSCC, cho biết. "Bất chấp rủi ro môi trường và an toàn công cộng, họ vẫn nhận được các giấy phép xây dựng cần thiết".
Johnson cũng kêu gọi chính phủ tạo một "tiêu chuẩn địa điểm" trong tương lai để cấm các dự án gây tác động xấu cho khu dân cư như Facebook đã làm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần để các tổ chức độc lập xem xét báo cáo địa chất trước khi cấp phép cho loại hình xây dựng này.
Trong khi đó, phát ngôn viên Facebook khẳng định đã cải tạo các lô đất có đường cáp quang biển đi qua và cam kết đảm bảo cảnh quan của chúng như trước khi xây dựng.
Hiện ODSL vẫn đồng ý để Facebook áp dụng một thỏa thuận bổ sung, trong đó cho phép các thiết bị bị bỏ rơi vẫn tồn tại dưới đáy biển trong nhiều thập kỷ, thay vì buộc phải dọn dẹp chúng. Thỏa thuận dự kiến sớm được thông qua, nhưng Facebook cần nộp phí 135.686 USD cho 30 năm đầu tiên.
Bảo Lâm (theo Business Insider)