Theo Washington Post, nhiều nỗ lực lan truyền thông tin sai lệch với mục đích tác động đến lựa chọn của cử tri đang diễn ra, đặc biệt ở bang chiến trường Pennsylvania. Các mạng xã hội được đánh giá có ảnh hưởng lớn đến bầu cử Mỹ 2020, nhất là khi các chiến dịch vận động trực tiếp bị hạn chế bởi đại dịch toàn cầu. Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đều đã chi hàng triệu USD cho các quảng cáo chính trị trên các nền tảng trực tuyến những tuần gần đây.
Twitter đã xóa một bài đăng, trong đó một người - tự xưng là nhân viên phòng phiếu ở Erie, Pennsylvania - chia sẻ ảnh chụp màn hình từ Instagram và khẳng định anh ta đã vứt đi hàng trăm lá phiếu bầu cho Donald Trump.
Một nhân vật có ảnh hưởng trên Twitter đưa tin sai lệch rằng lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được huy động đến Philadelphia và các thành phố khác để ngăn tình trạng bất ổn trong trường hợp Trump chiến thắng.
Ngày 1/11, Twitter tiếp tục gắn nhãn thông điệp mới của Trump, trong đó Tổng thống Mỹ chỉ trích phán quyết của Tòa án Tối cao, cho phép Pennsylvania kiểm đếm phiếu bầu qua thư đến sau ngày bầu cử, nói điều này sẽ "gây bạo lực trên đường phố".
Trong khi đó, hashtag #StopTheSteal (Ngăn chặn ăn cắp phiếu) cũng đang được chia sẻ hơn 50.000 lần. Theo các nhà nghiên cứu, chiến dịch này được lèo lái chủ yếu bởi những người theo phe cánh hữu, trong đó có Donald Trump Jr. và Ann Coulter, với mục đích thổi phồng những tình huống hay sự cố cụ thể và đưa chúng ra khỏi ngữ cảnh nhằm mục đích riêng. Ví dụ, một video ghi lại cảnh một người ủng hộ Trump bị ngăn cản (do nhầm lẫn) vào điểm bỏ phiếu của Philadelphia. Video nhanh chóng thu hút hơn 287 triệu lượt xem, like và chia sẻ trên Twitter, và được coi là bằng chứng về hành vi gian lận lá phiếu.
Cũng có dấu hiệu cho thấy #StopTheSteal được quảng bá bởi bot tự động. Zignal Labs, một công ty tình báo truyền thông, cho biết hashtag này đã tăng từ vài chục lượt đề cập vào 8h ngày 3/11 lên hơn 2.000 lượt đề cập cứ sau 15 phút.
Trong khi đó, theo nhóm nhân quyền Avaaz, một video bị chỉnh sửa - khiến người xem tưởng rằng Joe Biden thừa nhận hành vi gian lận bầu cử - đã thu hút hơn 17 triệu lượt xem trong tuần qua.
Trong ngày cuối, thông tin sai lệch được lan truyền vượt ra ngoài mạng xã hội, lan sang cả tin nhắn SMS, email và thậm chí là thư bưu chính kiểu cũ. Các nhà nghiên cứu thống kê, trên khắp nước Mỹ, cử tri đã nhận được khoảng 10 triệu cuộc gọi tự động trong những ngày gần đây, khuyến khích họ "giữ an toàn và ở nhà".
Facebook, Twitter, Google và YouTube đã tổ chức hơn 100 cuộc diễn tập ứng phó theo kịch bản, đưa ra chính sách mới như ngăn việc tuyên bố chiến thắng sớm hay các hành vi kêu gọi bạo lực. Họ cũng lập kế hoạch chi tiết về cách sẽ gắn cờ các nội dung liên quan tới bầu cử, hợp tác với các phương tiện truyền thông để làm chậm sự lan truyền của thông tin sai lệch. Facebook và Google đã cấm các quảng cáo chính trị cho tới khi bầu cử kết thúc, trong khi Twitter tuyên bố cấm hoàn toàn nội dung này.
Các mạng xã hội đều đang nỗ lực ngăn những gì đã xảy ra vào năm 2016. Khi đó, vài tuần sau cuộc bầu cử, họ mới phát hiện rằng các nền tảng của mình bị đặc vụ Nga lợi dụng để gieo rắc tin giả, tác động tới các cử tri Mỹ.
"Năm 2016, người Nga đã trả tiền cho quảng cáo trên Facebook bằng đồng rúp và đăng ký tài khoản Twitter bằng số điện thoại Nga. Các nền tảng khi đó hoàn toàn không biết gì về sự can thiệp này", Darren Linvill, Phó giáo sư truyền thông tại Đại học Clemson, chia sẻ trên Snopes.
Năm nay, các tài khoản của nguồn gốc từ Nga, Iran... cũng vẫn hoạt động tích cực, trong đó có việc phát tán các bài viết về gian lận cử tri trong ngày bầu cử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức ảnh hưởng của những thông tin từ nước ngoài này không mạnh bằng các chiến dịch tin giả được thực hiện ngay tại Mỹ.
Minh Minh (theo Washington Post)