Facebook hôm 28/5 thông báo tạm ẩn các bài đăng chứa từ khóa kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ chức do "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng", song không nêu rõ là điều khoản nào.
Tuy nhiên, chỉ ba tiếng sau, Facebook thay đổi quyết định, cho các bài đăng chỉ trích Thủ tướng Ấn Độ hiển thị trở lại. Andy Stone, phát ngôn viên Facebook, cho biết họ chặn những từ khóa kêu gọi Modi từ chức "do nhầm lẫn, không phải do chính phủ Ấn Độ yêu cầu".
Người phát ngôn Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ hiện chưa bình luận về thông tin.
Chính phủ Ấn Độ tuần trước yêu cầu Twitter gỡ hơn 50 tweet chỉ trích Thủ tướng Modi xử lý đại dịch kém. Facebook và Instagram sau đó được cho là cũng thực hiện động thái tương tự.
Ấn Độ hồi tháng hai ban hành các quy định mới về mạng xã hội và video chia sẻ trực tuyến, trong đó cho phép chính phủ có quyền hạn yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là "không phù hợp".
Đạo luật Công nghệ Thông tin năm 2000 ở Ấn Độ cũng cho phép các cơ quan chức năng chặn công chúng truy cập một số thông tin để bảo vệ "chủ quyền và tính toàn vẹn của Ấn Độ" cũng như duy trì trật tự công cộng.
Thủ tướng Modi đang đối mặt với làn sóng chỉ trích lớn sau khi Ấn Độ hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ hai thảm khốc, với hơn 18,3 triệu ca nhiễm và gần 205.000 ca tử vong do nCoV.
Ấn Độ ứng phó với làn sóng Covid-19 đầu tiên bằng lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, giúp tình hình dịch hạ nhiệt đáng kể. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Modi sau đó gỡ bỏ các hạn chế và cho phép người dân tổ chức các lễ hội, sự kiện tụ tập với sự tham gia của hàng triệu người.
Đây được coi là những sự kiện siêu lây nhiễm làm bùng phát làn sóng thứ hai tồi tệ hơn. Bất chấp các bệnh viện đã vỡ trận và các lò hỏa táng liên tục đỏ lửa, Ấn Độ vẫn cho phép hàng trăm nghìn người theo đạo Hindu hành hương về đền thiêng Amarnath từ tháng 6.
Ngọc Ánh (Theo BuzzFeed News)