Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 chiều 21/9, cho biết F0 điều trị tại nhà ở TP HCM có hai nhóm. Một là F0 được y tế địa phương phát hiện dương tính thông qua xét nghiệm tầm soát cộng đồng, sau đó được tiếp cận, quản lý ngay từ đầu. Nếu họ đủ điều kiện cơ sở vật chất, không có bệnh nền thì được cách ly tại nhà. Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của phường, xã sẽ ra quyết định hoàn thành cách ly cho họ. Những trường hợp này quy trình xét cấp "thẻ xanh" khá dễ dàng.
Nhóm F0 thứ hai là người tự xét nghiệm, cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà, không thông báo hoặc không thông tin được cho y tế địa phương. Do đó, khi làm thẻ xanh, họ gặp khó khăn. HCDC đã ban hành văn bản hướng dẫn cách thức cho họ được công nhận là F0, nhằm bảo đảm quyền lợi.
Cụ thể, trường hợp này, người dân cần có một bên thứ ba như trạm y tế phường, xã; tổ trưởng tổ dân phố (ban quản lý chung cư); hoặc tổ trưởng tổ chăm sóc F0 tại nhà làm chứng, xác nhận quá trình điều trị tại nhà. Người dân phải làm đơn xin xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà, trong đơn có xác nhận của một trong ba nhân tố trên, sau đó nộp cho Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của phường, xã để được cấp giấy xác nhận.
Trước đó, trong họp báo chiều 12/9, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho rằng những trường hợp tự làm xét nghiệm, phát hiện dương tính và tự điều trị, không báo chính quyền địa phương, khó có cơ sở cấp chứng nhận từng là F0.
Theo kế hoạch dự kiến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM, người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly là đủ điều kiện cấp "thẻ xanh Covid". Giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh, hoàn thành cách ly là một trong các điều kiện để được cấp thẻ. Người không được chứng nhận là F0 khỏi bệnh cần tiêm vaccine phòng Covid-19 để được cấp thẻ.
Thư Anh