Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM từ 27/10 đến nay, số F0 nhập viện giảm mỗi ngày nhưng vẫn cao hơn so với số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 27/10 có 1.272 F0 nhập viện trong khi 869 người xuất viện; ngày 28/10 có 1.212 F0 nhập viện, 718 người xuất viện; ngày 29/10 có 982 F0 nhập viện, 846 người xuất viện; ngày 31/10 có 624 F0 nhập viện, 473 người xuất viện.
Hồi nửa đầu tháng 10, số xuất viện luôn cao hơn số F0 mới nhập viện. Riêng ngày 3/10, có 1.631 F0 nhập viện, trong khi số xuất viện nhiều gấp gần 2,5 lần.
Tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, ngày 1/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất là các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 của quận, huyện, TP HCM đang thu gọn, giải thể để trả mặt bằng cho trường học. Một số bệnh nhân chưa đủ số ngày cách ly tập trung, được luân chuyển tới các bệnh viện, cơ sở thu dung khác. Trong khi đó, hệ thống ghi nhận F0 của thành phố chỉ nêu tổng số ca mà không xác định rõ bệnh nhân cũ hay mới, dẫn đến ghi số bệnh nhân cũ này như ca mới.
Thứ hai, các công ty, xí nghiệp, nhà máy hoạt động sản xuất trở lại phải thực hiện test nhanh, test định kỳ Covid-19 cho người lao động. Nhiều F0 mới là công nhân ngoại tỉnh. Nếu đủ điều kiện thì F0 sẽ được cách ly tại chỗ, ở nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đó. Tuy nhiên, đa phần đơn vị không đáp ứng được điều kiện cách ly tại chỗ nên F0 phải vào khu cách ly tập trung.
Thứ ba, cũng liên quan đến lực lượng lao động trở về thành phố. Người lao động thu nhập thấp thường sống ở xóm trọ, không đủ điều kiện cách ly tại nhà, phải đưa vào các bệnh viện dã chiến, khu thu dung để được chăm sóc tốt hơn.
Chia sẻ thêm về các kịch bản ứng phó của thành phố trước biến chủng mới nguy hiểm của chủng Delta, bà Mai cho hay thành phố đã qua đỉnh dịch thứ 4, thời kỳ bình thường mới, song vẫn tiến hành các biện pháp phòng chống dịch. Ngành y tế TP HCM cùng chuyên gia của Bộ Y tế và chuyên gia thế giới đang ở thành phố tiếp tục theo dõi chủng mới này trên toàn cầu. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thường xuyên theo dõi, lấy mẫu giám sát sự xuất hiện của biến chủng, tiến hành giải mã gene virus để xem đặc tính của chúng.
Theo bà Mai, qua 4 đợt dịch thành phố đã rút được 10 bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các tình huống tương lai. Bà khuyến cáo người dân vẫn cần đảm bảo 5K, không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch.
Tính đến ngày 1/11, TP HCM đang ở cấp độ dịch nguy cơ 2 (màu vàng), giảm một cấp độ so với tuần trước. Trong 22 quận, huyện và TP Thủ Đức có 13 địa phương đạt cấp độ 1 (màu xanh - an toàn); 9 địa phương ở cấp độ 2 (gồm quận 3, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn).
Tổng cộng, thành phố ghi nhận 432.703 ca nhiễm, đã được Bộ Y tế công bố. 11.230 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó 255 F0 nặng đang thở máy, 11 ca can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
Toàn thành phố đã tiêm hơn 7,6 triệu mũi một, hơn 5,7 triệu mũi hai cho người trên 18 tuổi; hơn 445.000 trẻ 12-17 tuổi đã tiêm một mũi vaccine.
Thư Anh