Theo Sở Y tế TP HCM, khoảng cách giữa số người mắc bệnh nhập viện và số người khỏi bệnh ngày càng lớn dần.
Trong 14 ngày qua, tình hình dịch có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhất là những ngày bắt đầu nới lỏng giãn cách kể từ hôm 1/10. Qua 7 ngày liên tục, số ca thu dung điều trị mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả tầng điều trị, số ca mắc mới tiếp tục giảm, số ca tử vong theo tuần xu hướng giảm rõ rệt.
Bệnh viện dã chiến số 12 hôm qua chỉ tiếp nhận 33 bệnh nhân, thấp nhất kể từ khi bệnh viện thành lập khẩn trên cơ sở chuyển công năng khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, ngày 21/7 đến nay. Trong khi đó, số xuất viện trong ngày là 253 người, gấp gần 8 lần người nhập viện. Đến nay, bệnh viện tiếp nhận tổng cộng hơn 12.500 F0, trong đó khoảng 10.800 người xuất viện.
Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12) cho biết hiện bệnh viện còn điều trị hơn 1.500 bệnh nhân, giảm gần 800 ca so với ngày cao nhất (14/9). Những ngày gần đây, khu cấp cứu bệnh nhân nặng tiếp nhận khoảng 15-20 trường hợp mỗi ngày, giảm khoảng 4-5 lần so với cao điểm hồi cuối tháng 8.
"Số nhập viện chưa giảm nhiều khoảng một tuần nay. Bệnh viện đang giảm số nhân lực y tế, sắp xếp các y bác sĩ trở về nơi công tác cũ phục vụ công tác khám chữa các bệnh thông thường khác", bác sĩ Tường nói.
Tình trạng số xuất viện cao hơn số nhập viện, trống giường điều trị cũng ghi nhận rõ rệt tại các bệnh viện dã chiến khác. Bệnh viện dã chiến số 10 ngày 3/10 cho xuất viện gần 300 trường hợp trong khi chỉ tiếp nhận 8 F0 mới nhập viện. Nơi này đang điều trị 841 F0 trên tổng số giường thực kê 2.500. Toàn bệnh viện hiện chỉ 9 trường hợp cần thở oxy, giảm 70% so với khi cao điểm.
Bệnh viện dã chiến quận 7 số 1 đang điều trị khoảng 250 bệnh nhân trên tổng công suất 600 giường bệnh. "Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 47 trên 100 giường, chưa được một nửa công suất", theo bác sĩ giám đốc Nguyễn Khắc Vui.
Bệnh viện dã chiến Covid-19 quận Tân Bình theo mô hình đa tầng đang điều trị 560 F0 trên tổng quy mô 1.000 giường. Khoảng nửa tháng nay, khu vực điều trị bệnh nhân trung bình và nặng do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách cũng "giảm nhiệt".
Các khu điều trị Covid-19 theo mô hình "bệnh viện tách đôi" cũng dần vắng bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn gần đây điều trị 50-70 trường hợp, trong khi cao điểm nơi đây từng tiếp nhận 220 F0.
Khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đang điều trị 65 bệnh nhân trên tổng số 92 giường. "Bệnh viện không còn trường hợp nặng cần hỗ trợ hô hấp. Suốt thời gian dài trước đây, khu điều trị luôn hoạt động hết công suất, không còn giường trống, luôn hơn 10 bệnh nhân nặng", theo bác sĩ Lê Trần Quang Minh, giám đốc bệnh viện.
Số ca bệnh nặng (người bệnh cần thở oxy và thở máy) ở các tầng điều trị vẫn còn cao nhưng đang giảm dần. Các bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tuyến cuối bắt đầu giảm rõ rệt số nhập viện. Bệnh viện Chợ Rẫy hôm nay chỉ tiếp nhận 5 ca nhập viện và cho xuất viện 7 trường hợp. Bệnh viện đang điều trị khoảng 140 F0, trong đó 18 ca nặng và 36 nguy kịch.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ngày 4/10 cho xuất viện 32 người trong khi chỉ nhập viện 23 người. Nơi này đang điều trị khoảng 500 trường hợp, trên công suất 800 giường bệnh, trong đó 80 bệnh nhân nặng, 175 nguy kịch.
Cơ sở tuyến cuối khác như Bệnh viện Quân y 175, các trung tâm hồi sức do bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Trung ương Huế, Đại học Y dược TP HCM, Việt Đức phụ trách, cũng ghi nhận số bệnh nhân nặng nhập viện và số tử vong giảm nhiều, số xuất viện cao. Lãnh đạo các bệnh viện này nhìn nhận tỷ lệ F0 chuyển nặng đang giảm nhờ nhiều bệnh nhân đã được tiêm vaccine, y bác sĩ ngày càng nhiều kinh nghiệm, phối hợp tốt nhiều chuyên khoa, chú trọng dinh dưỡng, tâm lý, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, bên cạnh hiệu quả của điều trị sớm các thuốc kháng virus.
Sở Y tế TP HCM nhận định số ca bệnh nặng ở tuyến cuối vẫn còn cao nên tỷ lệ tử vong dù giảm nhưng vẫn sẽ còn dao động ở mức cao. Ngày 3/10, hơn 4.800 F0 đang thở oxy và thở máy tại các bệnh viện.