* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Phim do Jin Han-sae biên kịch, Kim Jin-min đạo diễn, xoay quanh Ji-soo (Kim Dong-hee đóng) - nam sinh luôn đạt điểm cao, sống khép kín, hạnh kiểm mẫu mực. Như một thầy giáo nhận xét, Ji-soo hoàn hảo đến mức không thể biết cậu là người thế nào. "Người gương mẫu như em là thứ phức tạp nhất. Thỉnh thoảng cũng nên gây sự một chút. Không thì sẽ gây đại họa sau này", ông nói.
Đằng sau vỏ bọc hoàn hảo đó, Ji-soo điều hành một đường dây mại dâm, được gọi là "hẹn hò có trả phí". Cậu không ép buộc các cô gái mà chỉ cung cấp dịch vụ an ninh cho họ khi hành nghề. Ji-soo kiểm soát hệ thống qua một ứng dụng nên các thành viên khác không biết mặt cậu. Nếu gặp nguy khi hoạt động, các cô gái sẽ liên lạc, sau đó ông Lee (Choi Min-soo) - vệ sĩ của đường dây - đến giải cứu. Min-hee (Jung Da-bin đóng) là bạn học của Ji-soo, đồng thời là một cô gái trong nhóm của cậu.
Mọi chuyện trở nên phức tạp khi Ji-soo phải lòng bạn học Gyu-ri (Park Joo-huyn) - người cùng cậu tham gia một câu lạc bộ ngoại khóa. Trái với nam sinh, Gyu-ri sinh trong gia đình khá giả, được giáo dục đầy đủ. Nữ sinh nhanh chóng phát hiện chân tướng của Ji-soo, ép cậu để cô cùng điều hành đường dây. Họ bước vào một cuộc chơi với nhiều mối nguy hiểm đón chờ.
Extracurricular mang màu sắc u ám, đan xen bối cảnh học đường và thế giới mại dâm. Tổ chức của Ji-soo có cách tổ chức khá tinh vi, nhiều phương thức che giấu hoạt động, kết hợp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều vấn đề của hoạt động mua vui được thể hiện rải rác qua các tập phim, như khách hàng "trở chứng" làm hại gái làng chơi, chuyện bảo kê hay việc phải trốn tránh cảnh sát. Về cuối, series đẩy cao kịch tính với tình tiết trả thù, đấu đá đẫm máu giữa các nhóm. Những nỗ lực mở rộng kinh doanh của Gyu-ri và Ji-soo khiến họ phải giáp mặt với những kẻ giang hồ thật sự, sẵn sàng bắt cóc hay sử dụng vũ khí.
Series xây dựng nhân vật chính không phải một người hùng, trái lại có nhiều suy nghĩ khác chuẩn đạo đức thông thường. Dù biết một gái làng chơi là bạn học (tức còn ở tuổi vị thành niên), Ji-soo thản nhiên với điều đó. Bị cha mẹ bỏ rơi từ năm lớp 9, cậu phạm pháp để có tiền học đại học. Nam sinh có động cơ dễ gây đồng cảm là kiếm học phí, cũng như thực tâm muốn bảo vệ những cô gái dưới trướng. Nhưng chuyện cậu làm là phạm pháp, giống như sợi dây từ từ thắt chặt đưa đến kết cục đen tối. Ji-soo có thể giỏi về công nghệ nhưng còn quá thiếu kinh nghiệm, sự bình tĩnh để trở thành "ông trùm".
Kịch bản mở thêm nhiều góc cạnh khi Gyu-ri tham gia "cuộc chơi". Trong khi Ji-soo bước vào thế giới mại dâm vì tiền, cô làm điều đó chỉ vì ý thích cá nhân. Nhân vật này phảng phất tâm lý phản kháng xã hội đến từ những người thông minh. Gyu-ri không hề thiếu thốn nhưng mâu thuẫn với bố mẹ, tính sắc sảo và nhiều tham vọng. Cô thích sắp đặt kế hoạch, thể hiện khả năng của mình trong một công việc "kinh doanh" có nhiều rủi ro lẫn cơ hội, chứ không chấp nhận theo sự sắp đặt an toàn của gia đình. Với động cơ này, về sau cô thậm chí tỏ ra nguy hiểm và liều lĩnh hơn cả Ji-soo. Còn Min-hee đại diện cho thế hệ trẻ hoang mang với bản thân, chấp nhận bán mình để kiếm tiền. Với áp lực từ cả học đường lẫn thế giới ngầm, cô dần đi vào con đường bi kịch như điều không tránh khỏi.
Điểm chung của bộ ba là chủ động lựa chọn hành vi - điều khiến Extracurricular khác biệt với những tác phẩm mà nhân vật hành động vì bị đẩy vào đường cùng. Kịch bản bám sát nhân vật với nhiều câu thoại phản ánh chuyển biến tâm lý của họ. Ji-soo, Gyu-ri và Min-hee - dù đã bước vào con đường nguy hiểm - đôi lúc vẫn bộc lộ sự non nớt của trẻ con.
Góc khuất của học đường được bộc lộ qua khoảng cách lớn về tư tưởng giữa các học sinh và giáo viên trong phim. Hành vi của các học sinh phản ánh những suy nghĩ tự phát, tìm kiếm hướng đi mới do hệ thống hiện có không thể thỏa mãn ước mơ của họ. Do đó, tên gọi "Extracurricular" (Hoạt động ngoại khóa) mang ý mỉa mai, khi những hoạt động "chính khóa" của nhà trường trở nên mờ nhạt trong phim. Nhưng qua cái kết của các nhân vật, tác phẩm mang thông điệp cảnh tỉnh chứ không khuyến khích những hành vi tương tự. Với yếu tố nhạy cảm, phim được dán nhãn 16+, với lời giới thiệu "câu chuyện hư cấu" đầu mỗi tập. Còn cuối mỗi tập là lời khuyên các học sinh hãy gọi đến đường dây giúp đỡ nếu có chuyện không ổn.
Kim Dong-hee - diễn viên nổi tiếng gần đây với Itaewon Class - tiếp tục có vai diễn gây chú ý. Nhân vật Ji-soo được viết với khá nhiều đất diễn cho anh: vừa thông minh vừa non nớt, vừa đứng sau mọi chuyện cũng vừa là nạn nhân. Một trích đoạn chuyển đổi tâm lý khá ấn tượng của nhân vật là buổi hẹn với Gyu-ri, khi cậu vừa vụng về trước cô gái mình thích, vừa lo lắng khi hay tin một cô gái trong đường dây gặp nguy hiểm. Trong khi đó, hai sao nữ Park Joo-hyun và Jung Da-bin cũng hoàn thành tốt vai diễn nhờ nhan sắc, phong thái. Với tạo hình gọn gàng, nét mặt toát lên sự thông minh, Park (vai Gyu-ri) thể hiện chân dung một nữ trùm học sinh. Còn Jung (vai Min-hee) chiếm thiện cảm với những trang phục nữ tính, tôn vẻ xinh đẹp.
Dù làm tốt ở tuyến nhân vật học sinh, kịch bản còn điểm yếu ở nhóm phản diện. Các nhân vật này xuất hiện từ giữa series, được khắc họa chưa nhất quán với một số câu thoại hài hước không hợp sự tàn bạo của họ. Ở tập cuối, nhân vật chính tỏ ra mềm yếu quá đáng khi liên tục hốt hoảng. Series dừng ở cái kết mở để gây thu hút cho phần sau, nhưng tình tiết này có thể không thỏa mãn những khán giả muốn câu chuyện phải rõ ràng trong một mùa.
Ra mắt từ ngày 29/4, Extracurricular thu hút nhiều khán giả trên Netflix ở Việt Nam, vào top 2 ăn khách nhiều ngày qua. Theo HITC, Netflix nhiều khả năng tiếp tục làm phần hai, dự kiến quay phim sau Covid-19, có thể phát sóng năm 2021.
Ân Nguyễn