Đối với giá điện sinh hoạt, EVN đề xuất 2 phương án giá cho 100 kWh đầu tiên. Phương án 1 có tổng cộng 6 bậc với mức tăng bình quân 16% so với giá hiện hành. Trong đó, EVN đề nghị áp dụng giá bán 750 đồng cho bậc thang 100 kWh điện đầu tiên, tăng 200 đồng so với mức hiện hành.
Phương án 2 có tổng cộng 7 bậc thang, với mức tăng bình quân 12%. EVN đề nghị tách 100 kWh đầu tiên thành 2 bậc. Trong đó 50 kWh đầu tiên giá 700 đồng cho mỗi kWh và 50 kWh tiếp theo có mức giá 900 đồng cho mỗi kWh (tăng 63,6%).
Ngoài ra, EVN cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho người nghèo và gia đình chính sách xã hội với mức 50 kWh một tháng. Theo đó, nếu sử dụng trên 50 kWh một tháng thì không được hỗ trợ. Còn nếu ba tháng liên tiếp sử dụng dưới 50 kWh một tháng thì được hỗ trợ cả tháng trên 50 kWh đó với mức chênh lệch giữa giá điện mới và giá điện hiện hành. Mức hỗ trợ này chỉ áp dụng đối với gia đình có hợp đồng trực tiếp với các đơn vị bán lẻ điện và có hóa đơn được cơ quan thuế chấp nhận.
Giá điện lại sắp tăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo tính toán của EVN, nếu phương án tăng giá điện được phê duyệt, hằng năm tập đoàn thu lãi trước thuế và từ các công ty phát điện hạch toán độc lập, công ty cổ phần khoảng 2.000-2.400 tỷ đồng. Trong trường hợp không được điều chỉnh giá mà sản lượng điện tăng trưởng ở mức 14% một năm thì trong giai đoạn 2009-2012, năm lỗ thấp nhất là khoảng 9.500 tỷ đồng và năm lỗ cao nhất sẽ lên tới 33.821 tỷ đồng.
Đợt tăng giá này theo EVN là nằm trong lộ trình mà Chính phủ phê duyệt, đồng thời "cứu cánh" cho tập đoàn này trước nguy cơ thiếu vốn đầu tư các nhà máy điện và giảm bớt áp lực chi phí do nhiên liệu đầu vào tăng cao. Trong đó, chỉ tính riêng giá nhiên liệu đầu vào đã ngốn thêm của EVN gần 5.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 năm. Năm 2005 chi phí nhiên liệu tăng so với 2004 là 1.147 tỷ đồng; năm 2006 tăng thêm 1.108 tỷ đồng và năm 2007 thêm 2.250 tỷ đồng.
Hồng Anh